Liên quan đến việc giải quyết tố cáo một số nội dung về quản lý tài chính, đầu tư cơ sở vật chất và công tác cán bộ tại Trường đại học Ngoại thương, báo Thanh Niên dẫn tin từ Thanh tra Chính phủ cho biết, giai đoạn 2005 - 2015, Trường đại học Ngoại thương đã để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý đào tạo, quản lý mua sắm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, quản lý tài chính và công tác cán bộ.
Trong những vi phạm này, có vụ có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đã được Thanh tra Chính phủ chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ cho biết, từ năm 2012 đến nay, Bộ GD-ĐT đã nhiều lần nhận được đơn tố cáo, phản ánh của cán bộ Trường đại học Ngoại thương nhưng đến nay chưa có bất kỳ quyết định thụ lý giải quyết nào.
Việc làm này của Bộ GD-ĐT đã vi phạm luật Giải quyết khiếu nại, tố cáo. Mặt khác, năm 2013, Bộ GD-ĐT đã tiến hành thanh tra các nội dung có liên quan đến nội dung tố cáo nhưng có nội dung chưa được xem xét, có nội dung xem xét không đầy đủ, có nội dung đã xem xét nhưng kết luận chưa đúng bản chất sự việc.
Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, việc xử lý trách nhiệm và xử lý kỷ luật sau khi có Kết luận thanh tra số 548 ngày 16/7/2013 của Bộ GD-ĐT đối với người có vi phạm của Trường đại học Ngoại thương là không đúng quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức.
“Kết quả xử lý không khách quan, có biểu hiện bao che người có sai phạm, trong đó: lãnh đạo Bộ GD-ĐT né tránh trách nhiệm tổ chức kiểm điểm, xử lý; tổ công tác của Bộ GD-ĐT về kiểm điểm, xử lý kỷ luật đối với lãnh đạo Trường đại học Ngoại thương thực hiện chưa đúng nhiệm vụ, đánh giá thiếu nhất quán, tham mưu không đúng quy định pháp luật”, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.
Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, Bộ GD-ĐT không thành lập hội đồng kỷ luật để xem xét, kỷ luật đối với Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương thời điểm đó là ông Hoàng Văn Châu và bà Đào Thị Thu Giang, là không đúng về xử lý kỷ luật đối với công chức. Những người này phải chịu trách nhiệm về sai phạm nhưng chưa nhận khuyết điểm, trách nhiệm. Kết quả xem xét không có ai phải chịu hình thức kỷ luật.
Sai phạm ở ĐH Ngoại thương có biểu hiện bao che. |
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2005 - 2015, Trường đại học Ngoại thương để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong công tác quản lý tài chính, kế toán, việc để ngoài sổ kế toán số tiền gần 200.000 USD thu từ liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo của Trung Quốc; việc cải tạo nhà B thực hiện bởi 3 dự án đã chỉ định thầu cho Công ty cổ phần xây lắp Thành Hưng, vừa được thành lập có vài tháng, trong khi ông Hoàng Công Bảo, Trưởng phòng Quản trị thiết bị của Trường đại học Ngoại thương là cổ đông sáng lập của công ty này. Việc làm này đã vi phạm quy định về phòng chống tham nhũng.
Trong công tác đánh giá, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ vi phạm quy định về quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thể hiện sự độc đoán của Hiệu trưởng Trường đại học Ngoại thương. Những sai phạm trên là nguyên nhân chính gây ra bất bình trong cán bộ, viên chức và mất đoàn kết trong Ban Giám hiệu Trường đại học Ngoại thương nhiệm kỳ 2010 - 2015.
Cũng liên quan đến vụ việc trên, báo Pháp Luật TPHCM cũng đưa tin, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị kiểm điểm Ban cán sự đảng Bộ GD&ĐT.
Theo đó, về xử lý trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, kiểm điểm trách nhiệm đối với Ban cán sự đảng Bộ GD&ĐT giai đoạn 2005-2015 trong việc lãnh đạo, quản lý để xảy ra các vi phạm tại Đại học Ngoại thương; kiểm điểm trách nhiệm trong việc kiểm tra, thanh tra, giải quyết tố cáo, xử lý kỷ luật tại đây để tố cáo kéo dài.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT phối hợp với UBKT Thành ủy Hà Nội tổ chức kiểm điểm, xử lý đối với lãnh đạo Đại học Ngoại thương có vi phạm được nêu trước nhưng xử lý chưa khách quan và tiếp tục được nêu tại kết luận lần này….
Về xử lý kinh tế theo nguyên tắc, số tiền gần 4,2 tỉ đồng thu học phí cao hơn quy định, thu hỗ trợ đào tạo trái quy định và thu phạt trái thẩm quyền phải trả lại người nộp. Tuy nhiên, thời gian thực hiện đã trên 5 năm, số lượng người nộp lớn, việc trả lại người nộp không thể thực hiện. Thanh tra Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT thống nhất với Bộ Tài chính để xử lý.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Đại học Ngoại thương trả lại cho người thụ hưởng số tiền hơn 490 triệu đồng thu của các giảng viên đi học theo Chương trình tiên tiến.