Việc Mỹ - nhà tài trợ lớn thứ 5, tuyên bố rút khỏi UNESCO là một cú sốc lớn cho tổ chức này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Heather Nauert, nói: "Quyết định này không được đưa ra một cách nhẹ nhàng, nó phản ánh mối quan ngại của Mỹ với những khoản nợ quá hạn tại UNESCO, sự cần thiết phải cải cách cơ bản trong tổ chức và sự ‘bài trừ’ mà tổ chức này dành cho Israel.”
Nhiều giờ sau, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói rằng Israel cũng sẽ rút khỏi UNESCO cũng như lên tiếng ngợi ca quyết định của Mỹ là đầy "dũng cảm và nhân đạo".
Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu |
"Hôm nay là một ngày mới tại Liên Hợp Quốc, nơi phải trả cho việc phân biệt đối xử với Israel," Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc Danny Danon tuyên bố.
Người đứng đầu UNESCO, Irina Bokova, gọi việc Mỹ rút khỏi tổ chức là “một tổn thất đối với đại gia đình Liên Hợp Quốc cũng như tổn thất trong quan hệ đa phương."
Trước đó dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan cũng đã tuyên bố rút khỏi UNESCO vào năm 1984 do những cáo buộc về sự quản lý sai lầm trong tài chính và những tuyên bố được quốc gia này cho là mang tính ‘chống Mỹ’ trong một số chính sách của tổ chức.
Tổng thống George W. Bush đã tuyên bố sự trở lại của Mỹ vào năm 2002, nhưng các mối quan hệ lại bị sụp đổ vào năm 2011 khi ông Barack Obama rút khoản tiền tài trợ cho tổ chức sau khi các thành viên của UNESCO bỏ phiếu thông qua Palestine với tư cách là một thành viên chính thức.
Washington phản đối bất kỳ hành động nào của các tổ chức Liên Hợp Quốc để thừa nhận lãnh thổ Palestine là một quốc gia và khẳng định rằng điều này phải chờ đợi thỏa thuận hòa bình Trung Đông.
Quyết định rút khỏi UNESCO của Mỹ dự kiến sẽ có hiệu lực chính thức vào cuối tháng 12 năm nay.
Theo Reuters