Siêu Mặt trăng máu. Ảnh: Getty Images |
Vào ngày 28/9, hiện tượng siêu Mặt trăng và Nguyệt thực toàn phần sẽ xảy ra cùng một lúc. Khi đó, Mặt trăng sẽ có kích thước lớn hơn 14% so với lúc bình thường.
Do vào thời điểm đó, Mặt trăng nằm ở vị trí gần nhất so với Trái đất, trên quỹ đạo của nó. Nếu khoảng cách trung bình giữa Mặt trăng và Trái đất là 384.000km thì vào ngày này chỉ còn 363.700km mà thôi.
Cùng lúc đó, Mặt trăng sẽ nằm ở vị trí chính giữa so với Mặt Trời và Trái đất. Do đó, Mặt trăng sẽ bị che khuất do không có ánh sáng Mặt Trời phản chiếu và chúng ta sẽ nhìn thấy một Mặt trăng có màu đỏ như máu. Đó là vì ánh sáng từ Mặt trời bị tán xạ khi đi xuyên qua bầu khí quyển của Trái đất.
Đây là hiện tượng thiên văn rất hiếm gặp và là lần đầu tiên xuất hiện trong vòng 30 năm trở lại đây. Lần gần nhất cả hai hiện tượng này xảy ra cùng lúc là vào năm 1982.
Theo dự đoán của NASA, sau khi sự kiện này diễn ra thì chúng ta sẽ phải đợi đến năm 2033 để chứng kiến nó xuất hiện trở lại.
Trong lịch sử, kể từ năm 1900, trái đất mới chỉ được chứng kiến 5 lần có siêu trăng máu, đó là vào các năm 1910, 1928, 1946, 1964 và 1982.
Trong khi nguyệt thực toàn phần xuất hiện phổ biến hơn, người ta có thể nhìn thấy nguyệt thực toàn phần tại một điểm trên trái đất với chu kỳ khoảng 2,5 năm/lần thì siêu nguyệt thực lại rất hiếm khi xuất hiện với chu kỳ lên tới hàng chục năm 1 lần.
Sự kiện siêu trăng máu lần này sẽ dành may mắn cho những cư dân ở Bắc và Nam Mỹ, Châu Phi, Tây Á, khu vực phía Đông Thái Bình Dương và Châu Âu. Đáng tiếc là Việt Nam không nằm trong vùng có thể quan sát được hiện tượng hiếm có này.
Trang Ly (T/h)
Xem thêm:
- TOP 9 sự kiện thiên văn không thể bỏ lỡ năm 2015
- Vũ điệu ánh sáng trên Hồ Maracaibo - Nơi bị sét đánh nhiều nhất thế giới