Ông Mawlavi Abdul Hakim Sharaee - quyền Bộ trưởng Tư pháp của Taliban tuyên bố chính quyền mới tại Afghanistan đã lên kế hoạch đưa ra một bản hiến pháp từng được sử dụng trong thời kỳ vàng son ngắn ngủi của nền dân chủ ở Afghanistan, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn và sẽ có sửa đổi.
“Các Tiểu vương quốc Hồi giáo sẽ thông qua hiến pháp của thời quốc vương Mohammad Zahir Shah trước đây trong một thời gian ngắn”, ông Sharaee nói. "Nhưng bất cứ điều gì trong văn bản được phát hiện là xung đột với luật Hồi giáo và các nguyên tắc của Tiểu vương quốc Hồi giáo sẽ bị loại bỏ."
Gần sáu thập kỷ trước, trước khi các siêu cường trên thế giới can thiệp vào Afghanistan, quốc gia Trung Á này đã trải qua một thời kỳ ngắn ngủi của chế độ quân chủ lập hiến dưới thời trị vì của quốc vương Mohammad Zahir Shah.
Nhà vua phê chuẩn hiến pháp một năm sau khi lên nắm quyền vào năm 1963, mở ra gần một thập kỷ dân chủ nghị viện trước khi bị lật đổ vào năm 1973.
Hiến pháp năm 1964, lần đầu tiên cho phép phụ nữ có quyền bầu cử và mở ra cánh cửa cho việc nữ giới tham gia nhiều hơn vào đời sống chính trị, lại không phù hợp với quan điểm của Taliban.
Sau khi giành quyền kiểm soát đất nước hồi tháng 8, các nhà lãnh đạo Taliban tuyên bố sẽ không đối xử hà khắc với phụ nữ như ngăn cấm đi làm hoặc đi học.
Tuy nhiên khi công bố chính phủ lâm thời, tất cả các vị trí hàng đầu đều thuộc về những quan chức, thủ lĩnh theo đường lối cứng rắn và không có phụ nữ nào được tham gia nội các.
Sau khi bị Liên Xô chiếm đóng vào những năm 1980, tiếp theo là một nội chiến và trải qua 5 năm dưới thời kỳ Taliban cai trị, nhà nước Afghanistan mới đã thông qua hiến pháp sau khi được thành lập vào năm 2001.
Chính quyền khi đó quyết định không khôi phục chế độ quân chủ, thay vào đó phê chuẩn một hiến pháp mới vào năm 2004, quy định một nhiệm kỳ tổng thống và bảo vệ quyền bình đẳng cho phụ nữ.