Chính phủ Trung Quốc cho biết đã hạn chế đợt bùng phát thứ nhất của dịch COVID-19, nhưng một loạt các trường hợp gần đây liên quan đến cộng đồng người Nigeria ở Quảng Châu đã gây ra sự phân biệt đối xử của người dân địa phương và các quan chức địa phương.
Chính quyền Quảng Châu tuyên bố đã phát hiện 8 ca nhiễm có điểm chung là xuất phát từ quận Yuexiu hay còn được biết đến với tên gọi khu "Tiểu châu Phi".
Năm người quốc tịch Nigeria đã bị dư luận Trung Quốc chỉ trích sau khi tự ý phá vỡ quy định cách ly bắt buộc và đã đến 8 nhà hàng hay các địa điểm công cộng khác nhau trong thành phố.
Do đó, gần 2.000 người mà họ tiếp xúc đã phải làm xét nghiệm COVID-19 hoặc bị đưa đi cách ly, truyền thông Trung Quốc đưa tin.
Quảng Châu đã xác nhận 114 trường hợp nhập COVID-19 kể từ thứ Năm tuần này, trong số đó có 16 người đến từ châu Phi.
Hàng loạt những sự việc trên đã dẫn đến việc người châu Phi trở thành mục tiêu của sự nghi ngờ, mất lòng tin và phân biệt chủng tộc ở Trung Quốc.
"Tôi đã ngủ dưới gầm cầu trong 4 ngày mà không có thức ăn. Tôi không thể mua thức ăn ở bất cứ đâu, không có cửa hàng hay nhà hàng nào chấp nhận tôi", Tony Mathias - một sinh viên từ Uganda, người bị ép phải rời khỏi căn hộ của mình, cho biết.
Một người da màu phải ngủ ngoài đường tại Quảng Châu. Ảnh: CNN |
"Chúng tôi giống như những người ăn xin trên đường phố", chàng trai 24 tuổi nói.
Mathias cho biết thêm rằng cảnh sát đã không cung cấp cho mình các thông tin về việc làm xét nghiệm hoặc đưa đi cách ly mà thay vào đó họ chỉ bảo anh "hãy rời khỏi nơi này".
Một doanh nhân Nigeria cho biết ông đã bị đuổi khỏi căn hộ của mình vào đầu tuần này.
"Ở mọi nơi cảnh sát nhìn thấy chúng tôi, họ sẽ đến và theo đuổi chúng tôi và bảo chúng tôi về nhà. Nhưng chúng tôi có thể đi đâu được?", người này nói.
Căng thẳng gia tăng
Những người châu Phi khác cho biết cộng đồng của họ đã được lấy mẫu xét nghiệm hàng loạt mặc dù gần đây nhiều người đã không rời khỏi Trung Quốc và bị cách ly tại nhà hoặc trong khách sạn.
Trung Quốc đã cấm công dân nước ngoài nhập cảnh vào nước này và nhiều du khách đang bị đưa vào khu cách ly 14 ngày hoặc ở trong nhà riêng của họ hay tại các cơ sở tập trung.
Thiam, một sinh viên trao đổi từ Guinea, cho biết cảnh sát đã ra lệnh cho anh ở nhà dù anh có kết quả âm tính và không hề rời khỏi Trung Quốc suốt 4 năm qua.
Sinh viên này tin rằng các động thái gần đây của chính quyền thành phố đang nhắm đích danh vào cộng đồng người châu Phi một cách thiếu công bằng.
"Tất cả những người châu Phi đều phải làm xét nghiệm. Người Trung Quốc được đi lại tự do nhưng nếu bạn là người da đen, bạn không thể ra ngoài", Thiam nói.
Denny, một thương nhân người Nigeria bị đuổi khỏi căn hộ của mình, cho biết cảnh sát đã chuyển anh đến một khách sạn để cách ly sau nhiều ngày nằm trên hè phố.
"Ngay cả khi chúng tôi có kết quả xét nghiệm âm tính, cảnh sát không cho chúng tôi ở lại nhà mình cũng như không hề nói rõ lý do", Denny chia sẻ
"Nỗi sợ hãi điên cuồng"
Việc số lượng người gốc Phi nhiễm bệnh tại Quảng Châu đã tạo ra làn sóng phần biệt chủng tộc trên mạng, với nhiều người dùng internet Trung Quốc đăng các bình luận kỳ thị và kêu gọi tất cả người gốc Phi phải bị trục xuất.
"Có một nỗi sợ hãi điên rồ rằng bất kỳ ai là người châu Phi có thể đã tiếp xúc với người bị bệnh", David, một người Canada sống ở Quảng Châu, cho biết.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc thừa nhận tuần này rằng đã có một số "hiểu lầm" với cộng đồng châu Phi.
"Tôi muốn nhấn mạnh rằng chính phủ Trung Quốc đối xử bình đẳng với tất cả người nước ngoài ở Trung Quốc", phát ngôn viên Zhao Lijian tuyên bố hôm thứ Năm, kêu gọi các quan chức địa phương "cải thiện cơ chế làm việc của họ".