Tăng cường hợp tác Việt Nam- Nhật Bản trong lĩnh vực giáo dục

Ngày 31/8, tại Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tiếp tân Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam - ngài Yamada Takio. Buổi tiếp phía Bộ GD&ĐT có Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế Phạm Quang Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính Ngô Văn Thịnh và các đơn vị liên quan. Phía Nhật Bản có sự hiện diện của các cán bộ Đại sứ quán nhiều năm chuyên trách về quản lý, hợp tác trong lĩnh vực GD.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Đại sứ Yamada Takio tại buổi làm việc hôm 31/8/2020. Ảnh: Thanh Tuấn
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và Đại sứ Yamada Takio tại buổi làm việc hôm 31/8/2020. Ảnh: Thanh Tuấn

Phát triển hơn nữa các hợp tác song phương trong lĩnh vực GD

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chúc mừng ngài Đại sứ Yamada Takio với cương vị mới tại Việt Nam, đồng thời mong muốn ngài Đại sứ tiếp tục có những đóng góp để phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác GD giữa hai nước. Thông qua ngài Đại sứ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ gửi lời thăm hỏi sức khoẻ đến ngài Thủ tướng Shizo Abe; chuyển lời chào và chúc sức khoẻ tới Cựu Đại sứ ngài Umeda Kunio.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ về quan hệ hợp tác Việt Nam- Nhật Bản đã có truyền thống lâu dài, đặc biệt trong lĩnh vực GD-ĐT. Nhiều mối quan hệ giữa các cơ sở GD-ĐT của Việt Nam với Nhật Bản đã gắn bó rất sâu và phát triển tốt đẹp. Đó là nền tảng để tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Trao đổi với ngài Đại sứ Yamada Takio, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh một số nội dung hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực GD-ĐT, với mong muốn ngài Đại sứ tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh trong nhiệm kỳ ngoại giao tại Việt Nam, bao gồm: Vấn đề lưu học sinh (LHS) Việt Nam tại Nhật Bản; Các chương trình học bổng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho LHS Việt Nam tại Nhật Bản; Dự án Trường ĐH Việt- Nhật; Vấn đề giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam; Các hoạt động giao lưu và dự án hợp tác GD…

Theo Bộ GD&ĐT, tính đến cuối tháng 6/2019, đã có khoảng 370.000 người Việt Nam cư trú tại Nhật Bản, trong đó có khoảng 80.000 LHS. “Số lượng lớn LHS Việt Nam sang Nhật Bản học tập cho thấy nhiều điểm sáng, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm, như về hoạt động tư vấn du học. Bộ GD&ĐT Việt Nam đã cùng phía Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam gặp gỡ, thống nhất một số biện pháp để kiểm soát chặt chẽ hơn về hoạt động tư vấn du học”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những chương trình học bổng của Nhật Bản dành cho Việt Nam, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam; đồng thời cảm ơn Chính phủ Nhật Bản đã tiếp tục cấp khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 774 triệu Yên cho chương trình phát triển nguồn nhân lực JDS năm tài khoá 2020.

“Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt nội dung Công hàm trao đổi về Dự án này ngày 28/8/2020. Hai bên đang hoàn thiện thủ tục ngoại giao để Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thay mặt cho Chính phủ Việt Nam ký Công hàm này với đại diện phía Nhật Bản là ngài Đại sứ Yamada”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin.

Về Dự án Trường ĐH Việt- Nhật, Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp, góp ý kiến với các Bộ, ngành có liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Dự án và cơ chế tài chính đặc thù cho nhà trường, một biểu tượng về sự hợp tác Việt- Nhật trong lĩnh vực GD.

Phát triển dạy tiếng Nhật tại Việt Nam

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, việc giảng dạy tiếng Nhật tại Việt Nam đang phát triển từ bậc tiểu học đến THPT. Bộ trưởng đề nghị phía Nhật Bản tiếp tục duy trì các hợp tác GD thể chất, tăng cường sức khoẻ và phát triển việc học tiếng Nhật cho HS Việt Nam. Đề nghị tăng cường giao lưu GD và các dự án đào tạo nguồn nhân lực giữa hai nước, trong đó có ủng hộ và hỗ trợ Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội phối hợp với Viện Hàn- Ghép nối ĐH Osaka và doanh nghiệp Nhật Bản xây dựng Dự án thành lập Trung tâm công nghệ Hàn thứ 4 của thế giới và duy nhất của ASEAN tại Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Đề nghị hai bên cùng phối hợp tổ chức Hội nghị Hiệu trưởng Việt- Nhật lần thứ 4 tại Nagoya vào thời điểm thích hợp.

Tân Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam ngài Yamada Takio đã bày tỏ vinh dự được tới Việt Nam làm việc. Ngài Đại sứ khẳng định trong nhiệm kỳ tại Việt Nam sẽ cố gắng hết sức để tăng cường hợp tác Nhật Bản- Việt Nam, đặc biệt mong muốn phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực GD.

Ngài Yamada Takio cảm ơn những đề xuất của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về phát triển hợp tác GD-ĐT giữa hai bên, đồng thời bày tỏ một số vấn đề hai bên cần cùng quan tâm, giải quyết, như làm thế nào để loại bỏ những công ty tư vấn du học tạo hình ảnh xấu trong hoạt động tại Việt Nam và ở Nhật Bản.

Ngài Đại sứ mong muốn nhận được những chia sẻ, thông tin, chỉ đạo từ phía Bộ GD&ĐT trong việc giải quyết vấn đề này. Đồng thời, ngài Yamada Takio cảm ơn Bộ GD&ĐT đã quan tâm, hỗ trợ phía Nhật Bản thực hiện hội thảo tư vấn cho các HS, SV có nhu cầu du học ở Nhật; phía Nhật Bản mong muốn có thêm các thông tin đầy đủ hơn về LHS Việt Nam sang Nhật Bản học tập. Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều HS, SV Việt Nam muốn sang Nhật học tập đã phải trì hoãn kế hoạch, phía Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam sẽ hết sức tạo điều kiện để các LHS có thể sớm sang Nhật học tập. Mong phía Bộ GD&ĐT tạo điều kiện cho việc tuyển sinh LHS đi học tại Nhật Bản vào năm sau.

Về Dự án Trường ĐH Việt- Nhật, Tân Đại sứ Nhật Bản Yamada Takio cho biết, nhờ có sự giúp đỡ của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD&ĐT, Trường ĐH Việt - Nhật đã được xây dựng, rất mong phía Việt Nam tiếp tục có sự hợp tác, hỗ trợ để phát triển nhà trường, đặc biệt là trong vấn đề tài chính.

Ngài Yamada Takio bày tỏ cảm ơn những hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ tài chính trong 5 năm cho Trường ĐH Việt - Nhật, mong rằng tiếp tục có những hỗ trợ sau 5 năm tiếp theo. Phía Nhật Bản cũng rất quan tâm đến Dự án thành lập Trung tâm công nghệ Hàn của ĐH Bách Khoa Hà Nội, mong muốn sẽ tăng cường hợp tác giữa Việt- Nhật trong việc xây dựng, triển khai dự án này.

Theo ngài Yamada Takio, nhiều công ty Nhật Bản có sự phát triển liên tục tại Việt Nam, do đó phát triển học tiếng Nhật tại Việt Nam rất quan trọng.

Ngài Đại sứ Yamada Takio bày tỏ: “Tôi  cảm thấy rất vui mừng khi có nhiều người Việt biết tiếng Nhật và giỏi tiếng Nhật. Đây là một thành quả hợp tác giữa hai bên trong hoạt động dạy tiếng Nhật tại Việt Nam. Tôi mong muốn hai bên có thể tiếp tục hợp tác hơn nữa để phát triển hoạt động dạy tiếng Nhật trong trường phổ thông của Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản cũng mong muốn thời gian tới tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về dạy tiếng Nhật, cụ thể là hỗ trợ về GV, một phần lương cho GV, giáo trình… Phía Nhật mong muốn phía Việt Nam hỗ trợ thêm về giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tuyển dụng GV dạy tiếng Nhật tại trường học của Việt Nam. Tôi được biết các địa phương ở Việt Nam có dạy tiếng Nhật trong nhà trường phổ thông rất mong muốn nhận được sự hỗ trợ, tháo gỡ về tuyển dụng GV”.

Đáp lại chia sẻ của Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng để phát triển tốt hơn nữa vấn đề dạy tiếng Nhật trong trường học của Việt Nam, rất mong phía Nhật Bản quan tâm hỗ trợ việc duy trì chất lượng GD, việc liên thông học tiếng Nhật giữa các bậc học. Cùng tháo gỡ khó khăn trong tuyển dụng GV, tăng cường chất lượng GV.

Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đang rất quan tâm việc xây dựng học liệu chuẩn, xây dựng chương trình dạy trực tuyến tiếng Nhật.  GV bản ngữ dạy tiếng Nhật với chương trình chuẩn sẽ tăng hiệu quả dạy học tiếng Nhật tại Việt Nam.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ mong Nhật Bản tạo thêm điều kiện để GV Việt Nam dạy tiếng Nhật có thể sang Nhật Bản học tập, bồi dưỡng, nâng cao năng lực trình độ để có thể giảng dạy tốt hơn. Đồng thời, mong muốn có thêm nhiều GV Nhật Bản sang Việt Nam tham gia công tác giảng dạy.

Theo GD&TĐ
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.