Khi nước lũ bắt đầu rút, những người dân choáng váng trước cảnh tượng đổ nát trước mắt họ. Tại thị trấn Schuld (bang Rheinland-Pfalz, Đức), những ngôi nhà bị biến thành đống đổ nát. Các con đường bị tắc nghẽn bởi ô tô, cây đổ và rác rưởi.
"Mưa rơi liên tục suốt 2-3 ngày nay. Hoặc thậm chí là 4 ngày, tôi cũng không nhớ nổi", ông Klaus Radermacher, người đã sống ở Schuld 60 năm, cho biết. "Cơn lũ đến quá nhanh, tôi chưa bao giờ thấy bất cứ điều gì giống như vậy".
Đường phố ngập tràn rác thải sau trận lũ lụt. Ảnh: AP |
Theo cảnh sát Đức, đã có tới 70 người mất tích sau khi lũ lụt quét quét qua các khu vực phía tây và nam của đất nước. Đức bị ảnh hưởng nặng nề nhất với 49 người thiệt mạng, trong khi 6 người chết ở Bỉ. Luxembourg và Hà Lan cũng bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ này.
Thị trấn Schuld tan hoang sau trận lũ lịch sử. Ảnh: Reuters |
Hàng trăm binh sĩ và 2.500 nhân viên cứu trợ đã hỗ trợ cảnh sát trong các nỗ lực giải cứu ở Đức. Xe tăng đã được triển khai để dọn các tuyến đường bị sạt lở, trong khi máy bay trực thăng được điều động giải cứu những người mắc kẹt trên mái nhà.
Lũ lụt đã gây ra thiệt hại hàng loạt nặng nề nhất cho nước Đức trong nhiều năm. Trận lụt năm 2002 đã giết chết 21 người ở miền đông nước Đức và hơn 100 người trên khắp khu vực Trung Âu rộng lớn hơn.
Thủ tướng Angela Merkel bày tỏ sự thất vọng và tuyên bố sẽ giúp các cộng đồng bị ảnh hưởng xây dựng lại cuộc sống.
"Chúng tôi sẽ không để các bạn một mình trong những thời điểm khó khăn và đáng sợ này", bà Merkel phát biểu tại Nhà Trắng trong chuyến thăm Washington.
Tổng lượng mưa tại phía tây nước Đức trong 24 giờ qua tương đương với lượng mưa của cả tháng. Ảnh: Reuters |
Ông Armin Laschet, ứng cử viên kế nhiệm bà Merkel làm Thủ tướng, đã đổ lỗi cho tình trạng nóng lên toàn cầu gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.
"Chúng ta sẽ phải đối mặt với những sự kiện như này lặp đi lặp lại, và điều đó có nghĩa là chúng ta cần tăng tốc các biện pháp bảo vệ khí hậu, ở cấp độ châu Âu, liên bang và toàn cầu, bởi vì biến đổi khí hậu không chỉ giới hạn ở một đất nước", ông Laschet nói trong chuyến thăm tới vùng lũ.
Mất điện diện rộng
Tại Bỉ, khoảng 10 ngôi nhà ở Pepinster (vùng Wallonie) bị sập sau khi sông Vesdre làm ngập thị trấn phía đông và người dân phải sơ tán khỏi hơn 1.000 ngôi nhà.
Mưa cũng khiến giao thông công cộng bị gián đoạn nghiêm trọng, các dịch vụ tàu cao tốc từ Bỉ đến Đức bị hủy bỏ. Giao thông trên sông Meuse cũng bị đình chỉ do tuyến đường thủy chính của Bỉ có nguy cơ bị tàn phá.
Một người phụ nữ cố gắng bơi về phía đám đông tại Liege, Bỉ. Ảnh: CNN |
Ở Wuppertal, nổi tiếng với tuyến đường sắt trên cao, người dân địa phương cho biết các căn hầm của họ đã bị ngập và mất điện. Karl-Heinz Sammann, chủ vũ trường Kitchen Club, cho biết: “Tôi thậm chí không thể đoán được mức độ thiệt hại sẽ là bao nhiêu".
Còn ở Đức, khoảng 200.000 hộ gia đình rơi vào cảnh mất điện hoàn toàn do lũ lụt.
Tại hạ lưu Hà Lan, lũ lụt đã làm hư hại nhiều ngôi nhà ở tỉnh Limburg miền Nam nước này.
Thành phố Maastricht đã kêu gọi cư dân các quận Heugem và Randwyck rời khỏi nhà "càng sớm càng tốt" do nước sông Meuse dâng cao.
Mực nước sông Meuse dâng cao trong trận lụt hôm 15/7. Ảnh: AP |
"Nước ở Meuse đang dâng lên nhanh chóng. Chúng tôi dự đoán nó sẽ vượt qua các vịnh ở Randwyck / Heugem vào khoảng 3 giờ sáng", một thông cáo từ hội đồng thành phố Maastricht cho biết. "Điều này có nghĩa là nước sẽ tràn ngập trên đường phố và nhà cửa."
Liên minh châu Âu cũng kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp dân sự để giúp đỡ các khu vực của Bỉ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, Ủy ban EU cho biết hôm thứ Năm trong một tuyên bố.
"Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Đức có thể tin tưởng vào sự giúp đỡ của EU để đối mặt với những trận lũ lụt kinh hoàng này", chủ tịch Hội đồng EU Charles Michel đã viết trên Twitter hôm thứ Năm.