Dù vậy, các chuyên gia cho rằng sẽ phải mất một thời gian để thành phố Bangkok lấy lại được vẻ sôi động như trước khi đại dịch bùng phát.
Đại dịch COVID-19 khiến số lượng du khách tới Thái Lan giảm mạnh từ 40 triệu người vào năm 2019 xuống chỉ còn 73.000 người trong 8 tháng đầu năm 2021 - khiến nền kinh tế vốn phụ thuộc vào du lịch ghi nhận mức tăng trưởng tồi tệ nhất trong hơn hai thập kỷ.
Chính phủ Thái Lan đang làm mọi cách để vực dậy lĩnh vực này, vốn chiếm 1/5 nền kinh tế, mặc dù vẫn ghi nhận khoảng 10.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày còn tỷ lệ tiêm chủng chỉ ở quanh mức 40% dân số.
Các nhà chức trách hy vọng một kế hoạch loại bỏ các quy tắc kiểm soát đi lại khắt khe có thể thu hút du khách quay trở lại các quán bar và bãi biển bất chấp dịch bệnh vẫn hiện hữu.
"Chúng tôi đã ước tính ngành du lịch sẽ trở lại mức bình thường vào khoảng giữa năm tới", phát ngôn viên của Cơ quan quản lý đô thị Bangkok cho biết.
Thái Lan hy vọng sẽ có ít nhất một triệu du khách trở lại vào tháng 3 và tạo ra doanh thu khoảng 30 tỷ USD cho đến năm 2022, các nhà chức trách cho biết.
Thủ đô Bangkok đã từng là thành phố được ghé thăm nhiều nhất trên thế giới, vượt qua Paris và London vào năm 2018 trong năm thứ tư liên tiếp, theo Chỉ số các thành phố điểm đến toàn cầu của Mastercard.
Ngày nay, sự vắng bóng của du khách đã để lại một tác động không hề nhỏ đối với Khu Phố Tàu ở Bangkok, với những cửa hàng đóng cửa kín mít còn dòng xe tuk-tuk đậu kín sát vỉa hè.
Samran, một người lái xe tuk-tuk trong 25 năm, cho biết thu nhập của ông giảm 90% và hiện chỉ kiếm được 3 USD mỗi ngày.
"Tôi muốn bỏ nghề, nhưng vì già rồi, không ai thuê tôi làm gì nữa", người đàn ông 58 tuổi nói. "Tôi đã không chở một khách du lịch nào kể từ tháng 4 năm 2020."
Đó cũng là thời điểm Thái Lan cấm du khách nước ngoài nhập cảnh. Sau khi hạn chế này được nới lỏng, chính quyền đã áp dụng biện pháp cách ly tại khách sạn trong 14 ngày, điều này khiến nhiều du khách không mặn mà với việc quay trở lại nước này.
Kế hoạch tái mở cửa đảo du lịch Phuket vào tháng 7 không đem lại hiệu quả tích cực, khi chỉ thu hút được vài chục nghìn du khách.
Mở cửa dần dần
Trong một nỗ lực để ngăn chặn nền kinh tế đang đi xuống, Thủ tướng Prayut Chan-O-Cha đã công bố một kế hoạch mở cửa trở lại theo từng giai đoạn.
Từ ngày 1/11, những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ đến từ hơn 40 quốc gia "có nguy cơ thấp" sẽ được phép nhập cảnh và tiến hành xét nghiệm tại sân bay. Có mặt trong danh sách này là một loạt các quốc gia châu Âu cũng như Trung Quốc và Mỹ.
Trung Quốc là nguồn khách du lịch lớn nhất của Thái Lan, chiếm 11 triệu lượt khách vào năm 2019. Nhưng với việc chính quyền Bắc Kinh áp đặt lệnh cách ly tối thiểu hai tuần đối với những người trở về, rất ít khách du lịch Trung Quốc mạo hiểm ra nước ngoài chỉ để đi nghỉ dưỡng.
Giai đoạn thứ hai của việc mở cửa trở lại, được lên kế hoạch vào ngày 1/12, sẽ chấm dứt lệnh cấm rượu trong các quán bar và nhà hàng kéo dài 7 tháng.
Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan Marisa Sukosol Nunbhakdi cho biết, tình trạng ngừng hoạt động kéo dài đã "tàn phá" lĩnh vực khách sạn, gần một nửa số nhân viên của ngành này đã mất việc làm.
Còn với những khách sạn còn tồn tại ở Thái Lan, hoạt động cạnh tranh đang diễn ra khốc liệt với giá phòng được giảm chóng mặt.
"Một cuộc chiến giảm giá khốc liệt đã được tuyên bố giữa các khách sạn vì nguồn cung sẽ còn rất dồi dào trong thời gian dài so với nhu cầu", bà Marisa nói. “Nếu trong vài tháng tới, chúng tôi có thể lấp đầy các khách sạn ở mức 25-30% công suất, thì đó sẽ là một thành công."