Trước thời COVID-19, một trong những điều bắt buộc sau giờ làm việc, hội thảo là các bữa tối cùng cấp trên, đồng nghiệp đi kèm với "hoesik", từ tiếng Hàn liên quan đến việc uống rượu say.
Theo một cuộc thăm dò gần đây của JobKorea, 87% trong tổng số 1.424 người có việc làm được hỏi tin rằng họ có thể trở lại cuộc sống bình thường một khi khả năng miễn dịch cộng đồng trong nước đạt được. Khi được hỏi những thay đổi nào họ muốn thấy sau đại dịch, tồn tại sự khác nhau trong câu trả lời theo từng thế hệ.
Trong số những người được hỏi, 44,9% những người ở độ tuổi 20 và 30 nói rằng họ muốn công ty và đồng nghiệp không tổ chức các buổi gặp mặt sau giờ làm việc kể cả sau đại dịch. 44,1% nhóm tuổi này cho biết họ muốn tiếp tục hạn chế uống rượu bia sau giờ làm việc, 32,7% muốn có một văn hóa làm việc tiếp tục cho phép những người ốm yếu nghỉ việc, và 30,1% muốn tiếp tục các chính sách làm việc tại nhà.
Là một phần của hướng dẫn giãn cách xã hội, chính phủ đã giới hạn giờ hoạt động của các quán bar, nhà hàng và các cơ sở khác để tránh tụ tập, đặc biệt là ở khu vực thủ đô. Quy tắc này đã dẫn đến việc mọi người ngừng hoặc giảm các cuộc tụ tập ở công ty, cũng như kết thúc bữa tối sau giờ làm việc khi các cơ sở buộc phải đóng cửa lúc 10 giờ tối.
Shin Hae-rin, 29 tuổi, một nhân viên văn phòng ở trung tâm Seoul, cho biết: “Mọi người bắt buộc phải tham gia hoesik sau giờ làm việc hoặc các hội thảo, các buổi này thường đi kèm với việc uống rượu say sưa, khiến cuộc sống công ty trở nên thực sự khó chịu đối với tôi”. "Do đại dịch, tôi đã có thể dành buổi tối một mình, và tôi hy vọng việc này sẽ tiếp tục ngay cả sau khi đại dịch kết thúc."
Trong số những người được hỏi ở độ tuổi 40 và 50, 31,7% muốn công ty hoặc đồng nghiệp hạn chế tổ chức hoesik sau giờ làm việc hoặc hội thảo. 22,4% nhóm tuổi này cho biết họ muốn tiếp tục được làm việc tại nhà.