Trên đường phố Sydney (Australia), và California (Mỹ), người dân bắt đầu đặt hoa và thắp nến tại những nơi công cộng để tưởng nhớ Nữ hoàng Elizabeth II. Trên mạng xã hội Facebook, nhiều người thay ảnh đại diện hình vị nữ quân chủ như một cách để tri ân.
Ánh sáng trên Tháp Eiffel bị làm mờ đi. Những cánh buồm của Nhà hát Opera Sydney sẽ được chiếu sáng. Và trên bầu trời Cung điện Buckingham, hai cầu vồng xuất hiện.
Cuộc đời của Nữ hoàng Elizabeth II nối liền danh sách các vị chính khách vĩ đại của thế kỷ 20, từ Winston Churchill đến Nelson Mandela. Nhưng phần lớn di sản lâu dài của bà sẽ nằm ở trong trí nhớ của hàng triệu người sống ở những vùng đất nơi bà trị vì.
Ngay khi tin dữ được Cung điện Buckingham loan báo, người dân khắp nơi đã gửi đi những thông điệp chia buồn và tri ân tới Hoàng gia Anh và Nữ hoàng.
Dàn xe taxi đen nổi tiếng ở London xếp thành hàng dài trước Cung điện Buckingham nhằm tưởng nhớ Nữ hoàng Anh. Ảnh: WireImage |
Tại một trung tâm mua sắm ở London, một loạt taxi đen xếp thành một dàn xe danh dự ngẫu hứng. “Nữ hoàng là một người dân London,” Michael Ackerman, một tài xế taxi với kinh nghiệm 26 năm, cho biết. “Bà ấy luôn là một phần của chúng tôi”.
Vào buổi chiều mưa tại London, khi đám đông tụ tập bên ngoài cổng Cung điện Buckingham, họ nhìn thấy một cầu vồng kép trên bầu trời.
Cách đó hơn 17.000 km, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern bị đánh thức bởi một viên cảnh vệ vào sáng sớm. Trước đó, bà Ardern đã nắm được thông tin về sức khỏe của Nữ hoàng Anh.
“Khi bị đánh thức, tôi biết ngay chuyện gì đã xảy ra”, nữ Thủ tướng New Zealand nói. "Tôi rất buồn."
Trong tuyên bố chia buồn chính thức của đất nước, Thủ tướng Ardern đã cảm ơn Nữ hoàng vì "một đời trị vì" của bà. Người dẫn chương trình phát thanh Mike Hosking đã rơi nước mắt trên sóng truyền hình New Zealand khi nhắc tới sự ra đi của Nữ hoàng: "Bà ấy có thể là đại diện vĩ đại nhất trong phần lớn cuộc đời của chúng ta về sự cống hiến, sự kiên định và lòng trung thành”.
Tại Sydney, các cánh buồm của Nhà hát Opera bên bến cảng của thành phố sẽ được chiếu sáng trong hai đêm để tôn vinh Nữ hoàng. Để tỏ lòng thành kính tại Tòa nhà Chính phủ Sydney gần đó, Ross Harris - một cư dân của Sydney, cho biết ký ức sớm nhất của ông về Nữ hoàng là khi bà và Hoàng thân Philip đến thăm trường tiểu học của mình ở Tasmania vào năm 1977.
Một người đàn ông đang quỳ trước cổng Tòa nhà Chính phủ tại Sydney, Australia sau nghe tin Nữ hoàng qua đời. Ảnh |
“Cho dù bạn thích chế độ quân chủ hay không, bạn không thể xóa bỏ sự thật rằng Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Phillip đều là những người được sinh ra trong hoàn cảnh đó. Họ tận dụng tối đa vị trí của họ, họ làm gương cho người khác về việc làm và cống hiến cho người khác", Harris cho biết.
Tại Ấn Độ, nghị sĩ và cựu nhà ngoại giao Shashi Tharoor - người đã viết cuốn sách có nội dung chống đế quốc Anh "Inglorious Empire: What the British Did to India", đã bày tỏ lòng kính trọng đối với sự tận tâm của Nữ hoàng.
“Một kỷ nguyên trong lịch sử đã kết thúc vào ngày hôm nay. Nó phải xảy ra vào một ngày nào đó nhưng vẫn khó có thể thoát khỏi cảm giác hoài nghi. Nữ hoàng Elizabeth xin hãy yên nghỉ.”
Khi Nữ hoàng lần đầu tiên đặt chân đến Quần đảo Solomon, bà được một cựu tù trưởng đặt cho biệt danh là Fau Ni Qweraasi, có nghĩa là “người bảo vệ dân chúng”. Các lá cờ trên quần đảo Solomon, nơi Nữ hoàng là nguyên thủ quốc gia, đã hạ một nửa các lá cờ và nhiều người đã thay đổi ảnh đại diện của họ trên Facebook thành ảnh của Nữ hoàng.
Nhưng sự ra đi của Nữ hoàng đã được thương tiếc vượt ra khỏi biên giới Khối Thịnh vượng chung.
Bên ngoài quán rượu Ye Olde King’s Head ở thành phố Santa Monica, California, Gregg Donovan đã thiết lập một góc tưởng niệm với đầy nến, hoa hồng và một bức chân dung của Nữ hoàng.
"Tôi từng được diện kiến Nữ hoàng. Bà ấy thật tốt bụng và duyên dáng. Đây là một ngày buồn trên toàn thế giới", ông Donovan nói. “Nước Mỹ yêu Nữ hoàng và nơi tôi làm việc ở Hollywood, mọi người đã bị sốc, những du khách người Anh đã khóc trên đường phố”.
Nữ hoàng Elizabeth II là nguyên thủ quốc gia thực hiện nhiều chuyến công du nhất trên thế giới. Bà đã đến thăm mọi quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung. Bà đã đến thăm Canada 22 lần, Australia 16 lần, New Zealand 10 và Jamaica 6 lần.
(theo The Guardian)