Số trẻ em sống trong tình trạng nghèo đa chiều đã tăng lên xấp xỉ 1,2 tỷ do đại dịch COVID-19, theo một phân tích mới của UNICEF và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em được công bố ngày 17/9. Báo cáo ghi nhận mức tăng 15% số trẻ em sống trong cảnh thiếu thốn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, tương đương 150 triệu trẻ em sống trong nghèo khó kể từ khi đại dịch bùng nổ vào đầu năm nay.
Phân tích nghèo đa chiều sử dụng dữ liệu về khả năng tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, dinh dưỡng, vệ sinh và nước từ hơn 70 quốc gia. Bản phân tích nhấn mạnh rằng khoảng 45% trẻ em bị thiếu hụt nghiêm trọng ít nhất một trong những nhu cầu thiết yếu này ở các quốc gia được phân tích trước đại dịch.
Phân tích đã vẽ ra một bức tranh thảm khốc, và thậm chí UNICEF còn cảnh báo rằng, tình hình có thể sẽ tồi tệ hơn trong những tháng tới. Tổ chức Cứu trợ Trẻ em và UNICEF cam kết tiếp tục theo dõi sát tình hình và làm việc với các chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự để lên kế hoạch ứng phó.
Bà Henrietta Fore, Giám đốc điều hành UNICEF cho biết: “COVID-19 và các biện pháp khắc nghiệt nhằm ứng phó với đại dịch đã đẩy hàng triệu trẻ em vào cảnh nghèo đói hơn. Các gia đình ở mức cận nghèo đã bị kéo trở lại xuống mức nghèo, trong khi những gia đình khác đang trải qua sự thiếu thốn mà chưa từng thấy. Có vẻ như, chúng ta đang tiến gần đến một khởi đầu của cuộc khủng hoảng hơn là kết thúc”.
Báo cáo lưu ý rằng tình trạng nghèo ở trẻ em không chỉ liên quan đến tiền tệ. Mặc dù các thước đo về nghèo bằng tiền như thu nhập hộ gia đình là quan trọng, nhưng chúng chỉ cung cấp một phần nào đó về tình cảnh của trẻ em sống trong nghèo đói. Để hiểu được đầy đủ tình trạng nghèo ở trẻ em, cần phải phân tích tất cả những thiếu thốn tiềm ẩn. Phân tích này cũng chỉ ra sự cần thiết phải thực hiện các chính sách ở nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, dinh dưỡng, nước, vệ sinh và nhà ở để chấm dứt nghèo đa chiều.
Trong đó, bảo trợ xã hội, các chính sách tài chính tổng hợp, đầu tư vào các dịch vụ xã hội, những can thiệp vào thị trường lao động và việc làm để hỗ trợ các gia đình đóng vai trò quan trọng nhằm đưa trẻ em thoát nghèo. Những chính sách này bao gồm mở rộng khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng cũng như cung cấp các công cụ, công nghệ cần thiết để trẻ em tiếp tục đi học từ xa; tiếp tục triển khai các chính sách thân thiện dành cho các hộ gia đình như nghỉ có lương và dịch vụ chăm sóc trẻ em.
Bà Inger Ashing, Giám đốc điều hành của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho biết: “Đại dịch này đã gây ra tình trạng khẩn cấp về giáo dục toàn cầu lớn nhất trong lịch sử, và sự gia tăng nghèo đói sẽ khiến trẻ em dễ bị tổn thương nhất. Trẻ em không được học hành có thể bị bóc lột sức lao động hoặc phải kết hôn sớm và mắc kẹt trong chu kỳ đói nghèo trong nhiều năm tới. Chúng ta không thể để cả một thế hệ trẻ em trở thành nạn nhân của đại dịch này. Các chính phủ và cộng đồng quốc tế phải vào cuộc để giảm nhẹ hậu quả về sau”.