Mớiđây, một số nguồn tin cho biết Hàn Quốc có dự định triển khai một tàu chiến hiện đại tới eo biển Hormuz vào tháng 8, đáp lại một đề nghị do Mỹ gửi tới.
Hiện tại Hải quân Hàn Quốc đang thực hiện các hoạt động phòng chống cướp biển trên vùng biển thuộc Somalia, rất gần với eo biển Hormuz. Từ năm 2009 tới nay, tàu chiến của lực lượng này đã hộ tống hàng trăm tàu chở hàng của Hàn Quốc cũng như của nhiều nước trên thế giới.
Phía Hàn Quốc vẫn chưa xác nhận kế hoạch nêu trên, song họ đã cho thấy những tín hiệu nhất định khi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton có chuyến công du kéo dài 2 ngày tới Hàn Quốc vào ngày 23/7. Trước đây Seoul đã từng nhiều lần tham gia vào các chiến dịch quân sự do Mỹ thực hiện.
Căng thẳng giữa Iran và các nước phương Tây tiếp tục trở nên nghiêm trọng sau khi một tàu chở dầu Iran đã bị bắt giữ ở eo biển Gibraltar do bị nghi có ý định vận chuyển dầu tới Syria và vi phạm lệnh trừng phạt của EU. Động thái trên đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Tehran. Sau đó, tàu chở dầu Stena Impero của Anh đã bị Iran bắt giữ, buộc Anh và nhiều nước khác phải tăng cường sự hiện diện quân sự.
Iran cho biết tàu Stena Impero đã vi phạm luật hàng hải khi tắt thiết bị định vị, bỏ qua tín hiệu kêu cứu của một tàu cá Iran gần đó và đâm vào tàu này, mặc cho phía Iran nhiều lần cảnh báo về những hành vi không an toàn của tàu chở dầu Anh.
Sau vụ bắt giữ tàu Stena Impero, Anh công bố kế hoạch thành lập một “đội bảo vệ trên biển” của Châu Âu với mục đích bảo vệ các tàu dân sự đi qua vịnh Ba Tư.
Trước đó, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ là tướng Kenneth McKenzie cho biết ông đang làm việc “không mệt mỏi” để thiết lập một đội bảo vệ như vậy để đảm bảo quyền tự do đi lại của các tàu dân sự ở Vùng Vịnh.