Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm Mỹ (NIAID), cho biết chính phủ Mỹ sẽ tài trợ một khoản kinh phí trị giá khoảng 100 triệu USD cho dự án thử nghiệm vắc xin Zika. Loại vắc xin chủng ngừa virus Zika do Mỹ nghiên cứu đã vượt qua các bước kiểm tra sơ bộ, và sẽ được tiến hành thử nghiệm để xem xét hiệu quả.
Thử nghiệm sẽ có hai giai đoạn. Giai đoạn đầu thử nghiệm độ an toàn và đánh giá khả năng kích thích hệ miễn dịch tạo ra các kháng thể để chống lại virus Zika. Trong giai đoạn này, các chuyên gia sẽ thử nghiệm các liều lượng khác nhau để thu được kết quả tối ưu nhất.
Giai đoạn thứ hai nhằm xác định xem loại vắc xin này có thực sự có ngăn ngừa được virus Zika hay không.
Các nhà khoa học của NIAID dự định thử nghiệm loại vắc xin mới này trên khoảng 2.490 tình nguyện viên khỏe mạnh ở các khu vực có khả năng lây truyền Zika thông qua muỗi như Texas, Florida (Mỹ), Puerto Rico, Brazil, Peru, Costa Rica, Panama và Mexico.
Các tình nguyện viên sẽ nhận vắc xin và được theo dõi trong vòng 2 năm, dự kiến kết thúc vào năm 2019.
Một số công ty cũng đang phát triển vắc xin Zika như Sanofi SA, GlaxoSmithKline Plc và Takeda Pharmaceuticals. Chính phủ Mỹ sẵn sàng tài trợ kinh phí cho giai đoạn cuối của thử nghiệm và đưa vào sản xuất.
Người nhiễm virus Zika thường không có hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ, gần giống với bệnh sốt xuất huyết ở mức nhẹ với các biểu hiện như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau các khớp ở bàn tay, bàn chân, đau cơ, đau mắt, phát ban, tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, loét niêm mạc... Zika có thể lây truyền từ người mẹ qua thai nhi, gây ra dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và các biến chứng não nghiêm trọng khác. Virus Zika chủ yếu lây truyền qua muỗi, nhưng cũng có thể lây truyền qua đường tình dục.