“Thuật sĩ của sơn mài” Hồ Hữu Thủ từ trần

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Thông tin từ họa sĩ Uyên Huy, nguyên Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP.HCM, cho biết: Họa sĩ Hồ Hữu Thủ vừa qua đời, hưởng thọ 84 tuổi. Dù học vẽ tranh sơn dầu nhưng họa sĩ Hồ Hữu Thủ lại thành công với tranh sơn mài khi ông phát hiện ra rằng sơn ta vẫn có thể chuyển tải được những giá trị mỹ thuật thực sự.
Họa sĩ Hồ Hữu Thủ (1940 – 2024).
Họa sĩ Hồ Hữu Thủ (1940 – 2024).

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ quê gốc ở Nghệ An, sinh năm 1940 tại Bình Dương, nơi có nhiều làng nghề truyền thống làm sơn mài nổi tiếng cả miền Nam. Từ năm 1955 đến 1959, họa sĩ Hồ Hữu Thủ theo học trường Mỹ nghệ Bình Dương về trang trí nội thất – một ngành mỹ thuật ứng dụng còn rất mới vào thời đó. Năm 1960, ông vào học trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định. Trước đó, năm 1959, ông đã đoạt giải Nhì sáng tác hội họa ESSO, một giải hội họa có uy tín lúc bấy giờ do Công ty ESSO tổ chức. Tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định, ông học vẽ sơn dầu.

Sài Gòn đầu thập niên 1960 có một giai đoạn mỹ thuật đáng tự hào, có sự đóng góp của Hội Họa sĩ trẻ, trong đó có cá nhân Hồ Hữu Thủ, một người có tài năng thích tìm con đường riêng cho mình trong sáng tác. Ông đã sáng tác nên một thế giới mà trong đó “Người, vật, thiên nhiên đều đã được lựa chọn và biểu tượng hóa, không còn hợp lý với cái nhìn bình thường, tất cả đều hiện ra trong một bầu không khí chung đẹp đẽ, tươi mát, hồn nhiên, tổng hòa trong một bút pháp vừa thực vừa siêu thực, để đi tới một cái đẹp tinh túy của nghệ thuật tượng trưng”, như lời nhà phê bình mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy đánh giá.

“Thuật sĩ của sơn mài” Hồ Hữu Thủ từ trần ảnh 1
Tác phẩm của họa sĩ Hồ Hữu Thủ.

Theo nhà nghiên cứu Phạm Công Luận trong cuốn sách “Sài Gòn – Chuyện đời của phố” tập 3 xuất bản năm 2016, thì: “Trước 1975, hầu như các hoạ sĩ đều vẽ bằng sơn dầu, được coi là chất liệu “vua”. Cũng có một số họa sĩ vẽ bằng phấn tiên, màu nước hay thủ ấn họa như họa sĩ Tú Duyên. Họa sĩ Nguyễn Gia Trí, cây đại thụ sơn mài của mỹ thuật Đông Dương vẫn trung thành với sơn mài và đi theo hướng đi riêng, có nguồn khách hàng riêng”.

“Khác với giới họa sĩ hồi đó, niềm yêu thích chất liệu sơn ta vẫn âm ỉ trong lòng Hồ Hữu Thủ cho dù ông không học sáng tác chuyên về chất liệu này. Suốt thời niên thiếu sống ở Bình Dương, trong cái nôi sơn mài mỹ nghệ truyền thống của miền Nam, ông nhận ra vẻ đẹp đằm sâu của sơn ta trong sáng tác. Lúc đó, tuy hai miền Nam Bắc đang bị chia cắt, sơn Phú Thọ (gọi là sơn Bắc) vẫn vào được miền Nam, có thể qua đường Campuchia. Loại sơn này được dùng phối hợp với sơn Nam Vang (cũng từ Campuchia, được trồng tại chỗ), tạo nên vẻ đẹp riêng biệt của tranh và đồ mỹ nghệ của miền Nam”, theo Phạm Công Luận.

“Thuật sĩ của sơn mài” Hồ Hữu Thủ từ trần ảnh 2
Tác phẩm của họa sĩ Hồ Hữu Thủ.

Năm 1972, họa sĩ Hồ Hữu Thủ triển lãm cá nhân đầu tiên ở Sài Gòn tại Alliance Francais (Viện Trao đổi Văn hóa Pháp) trên đường Gia Long, nay là đường Lý Tự Trọng. Triển lãm này trưng bày toàn tranh sơn dầu nhưng có một bức sơn mài duy nhất lấy tên “Cô gái và chim đại bàng”. Ông tùy viên văn hóa Tòa Đại sứ Mỹ đến xem và hỏi giá. Trước giá tranh tương đương hai lượng vàng lúc đó, ông ta xin… trả góp. Cuối cùng việc mua bán không thành nhưng phần nào khiến họa sĩ Hồ Hữu Thủ tin dùng chất liệu sơn ta để làm nên những tác phẩm sơn mài mang tính mỹ thuật thực sự.

Theo nhà phê bình mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy trong “Nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại”, cho biết: “Hồ Hữu Thủ được gọi là “thuật sĩ của sơn mài”. Trên báo Journal d’Extrême Orient người ta so sánh ông với các danh họa Chagall, với Henri Rousseau. Những bức sơn dầu và sơn ta treo ở nhà ông đậm chất lãng mạn, bay bổng nhưng cách trò chuyện của họa sĩ Hồ Hữu Thủ lại có phong thái tỉnh táo, khoan hòa và dung dị của một người từng trải, thích nghiền ngẫm, suy tư về bộ môn nghệ thuật mà ông gắn bó cả đời.

“Thuật sĩ của sơn mài” Hồ Hữu Thủ từ trần ảnh 3
Tác phẩm của họa sĩ Hồ Hữu Thủ.

Trong phòng tranh rộng của ông trên đường Nguyễn Văn Thủ, khách đến thăm ngồi giữa các hình tượng thiếu nữ bay lơ lửng, hoa sen nở e ấp và những mảng màu trong các bức tranh như lững lờ trôi chung quanh. Cả nền gạch và đá lót cầu thang cũng nằm trong tông màu ông biểu hiện trên các bức tranh, hồng ngọc và màu lam, chút nâu đỏ, màu hạt lựu, đỏ son, xanh úa…

Hội Họa sĩ Trẻ, cái tên đã trở thành một huyền thoại của hội họa Sài Gòn, hội họa miền Nam một thời có ông trong đó, và Hồ Hữu Thủ cũng đã là một tên tuổi lớn của hội họa Việt đương đại.

TIN LIÊN QUAN
Bình chọn 50 điểm đến du lịch hấp dẫn tại khu vực phía Nam
Bình chọn 50 điểm đến du lịch hấp dẫn tại khu vực phía Nam
(Ngày Nay) - Ngày 17/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch của 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long đã phối hợp công bố Chương trình bình chọn “Điểm đến du lịch hấp dẫn Thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024” với chủ đề “Nâng tầm điểm đến - Kết nối hành trình”.
Tại Nhật Bản, ước tính hiện có khoảng 9 triệu ngôi nhà bị bỏ hoang trên khắp cả nước.
Nhật Bản: Tương lai bấp bênh của các làng nghề truyền thống
(Ngày Nay) - Nhật Bản hiện có khoảng 9 triệu ngôi nhà bị bỏ hoang trong bối cảnh nhiều vùng nông thôn phải đối mặt với tình trạng suy giảm dân số nhanh chóng. Thực trạng này đặt ra lo ngại rằng nhiều làng nghề truyền thống của xứ sở mặt trời mọc sẽ vĩnh viễn bị “xoá sổ”.
TikTok tìm cách tránh lệnh cấm của Mỹ
TikTok tìm cách tránh lệnh cấm của Mỹ
(Ngày Nay) - Sau phiên chất vấn của hội đồng thẩm phán tại Tòa phúc thẩm khu vực quận Columbia (thủ đô Washington, D.C), TikTok có thể phải vượt qua nhiều chướng ngại vật để có thể tránh lệnh cấm của Mỹ nếu chủ sở hữu là ByteDance Ltd. của Trung Quốc không bán ứng dụng rất phổ biến này.
Còn 99 điểm trường chưa thể dạy học trở lại sau bão số 3
Còn 99 điểm trường chưa thể dạy học trở lại sau bão số 3
(Ngày Nay) -  Cơn bão số 3 (Yagi) cùng hoàn lưu bão gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản đối với nhiều tỉnh miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng, ngành Giáo dục cũng chịu thiệt hại rất nặng nề. Đến nay còn 99 trường/điểm trường ở 6 tỉnh vẫn chưa thể dạy học do nước chưa rút hết.