Các mức thuế quan và thuế đối ứng được đề xuất giữa Mỹ và nhiều quốc gia, khiến tình hình càng trở nên phức tạp — đặc biệt là khi lịch trình các hội chợ nghệ thuật đang vào guồng, với Frieze Los Angeles diễn ra vào tuần tới và Art Basel Hong Kong dự kiến tổ chức vào tháng Ba. Rõ ràng, các hội chợ đang theo sát diễn biến này.
Khi được hỏi về tác động của thuế quan, một người phát ngôn của Art Basel Hong Kong cho biết trong một tuyên bố: “Đội ngũ của chúng tôi đang theo dõi sát sao những thay đổi trong điều kiện thương mại và bất kỳ tác động tiềm tàng nào đối với các nhà triển lãm của chúng tôi. Chúng tôi đang tham vấn các chuyên gia thương mại, duy trì kết nối chặt chẽ với các phòng trưng bày, và cam kết mang đến trải nghiệm tốt nhất có thể cho các nhà triển lãm và khách tham quan.”
Tác động nghiêm trọng đến thị trường nghệ thuật
Các chuyên gia đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về năm sắp tới, khi cho rằng thuế quan sẽ làm gia tăng chi phí hoạt động, thay đổi hành vi mua sắm của các nhà sưu tập, đồng thời gây ảnh hưởng nặng nề nhất đến các phòng trưng bày nhỏ và vừa do hạn chế về nguồn lực.
“Nếu bạn chi 10 triệu USD để mua một tác phẩm nghệ thuật và phải trả thêm 1 triệu, 2 triệu, thậm chí 2,5 triệu USD tiền thuế nhập khẩu, bạn sẽ nói "Không đời nào. Quên đi. Mất trắng 2,5 triệu USD rồi. Tôi không thể làm vậy. Thôi thì tôi đầu tư vào bất động sản hoặc cổ phiếu vậy,’” Philip Hoffman, người sáng lập kiêm CEO của Fine Art Group, chia sẻ với ARTnews. “Đây sẽ là đòn chí mạng.”
Việc theo dõi các mức thuế này cũng là một thách thức bởi chúng thường bị trì hoãn ngay sau khi công bố. Đó chính xác là những gì đã xảy ra vào ngày 3/2 khi cựu Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Canada, Mexico đồng ý trì hoãn thuế quan 25% trong 30 ngày. Thông báo này đến ngay trước thềm Tuần lễ Nghệ thuật Mexico City.
Việc thuế quan áp dụng cho những mặt hàng nào cũng là một câu hỏi lớn. Danh mục của Canada từng liệt kê các tác phẩm vẽ tay gốc, bản vẽ và tranh phấn màu vào diện bị áp thuế đối ứng. Trong khi đó, một mức thuế mới 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc đã có hiệu lực vào nửa đêm ngày 3/2, nâng tổng mức thuế lên 17,5%. Tuy nhiên, một thông báo từ Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ vào ngày 5/2 lại cho biết các mặt hàng như “ấn phẩm, phim, áp phích, đĩa nhạc, ảnh, vi phim, băng cassette, CD, tác phẩm nghệ thuật và tin tức truyền hình” được miễn thuế.
Tuy nhiên, việc miễn thuế cho tác phẩm nghệ thuật vẫn tùy thuộc vào cách diễn giải của các sĩ quan hải quan Mỹ. Khả năng bị áp thuế 17,5% do nhầm lẫn hoặc những thay đổi bất ngờ trong chính sách thương mại của Mỹ có thể khiến nhiều nhà sưu tập tại Mỹ không muốn mua tác phẩm nghệ thuật từ Trung Quốc và Hong Kong.
Nguy cơ bất ổn cho ngành nghệ thuật
“Theo tình hình hiện tại, mức thuế bổ sung 10% chưa áp dụng cho tác phẩm nghệ thuật,” Claudia Albertini, Giám đốc chi nhánh Massimo De Carlo tại Hong Kong và đồng Giám đốc Hiệp hội Phòng trưng bày Hong Kong, cho biết: “Nhưng điều đó có thể thay đổi. Vì vậy, chúng tôi cần theo dõi sát sao, bởi mọi thứ liên tục biến động.”
Hoffman, nhà sáng lập Fine Art Group, cho biết sau Brexit, một số phương pháp né thuế đã được áp dụng, bao gồm vận chuyển tác phẩm qua các khu vực hoặc quốc gia khác trước, lưu trữ tác phẩm gốc tại kho ngoại quan hoặc trưng bày bản sao chất lượng cao.
“Ở phân khúc cao cấp, các biện pháp sẽ được đưa ra để di chuyển tác phẩm từ nơi này sang nơi khác, nhưng hầu hết mọi người không có đủ khả năng tài chính hoặc điều kiện để làm điều đó,” Hoffman nói: “Và điều này sẽ giáng thêm một đòn vào thị trường nghệ thuật quốc tế.”
Ngay cả khi tác phẩm nghệ thuật được miễn thuế, nhiều vật dụng phục vụ ngành nghệ thuật như vật liệu hội họa, văn phòng phẩm, thiết bị điện tử, gỗ (dùng làm thùng vận chuyển và khung tranh), vật dụng tổ chức sự kiện, và hàng hóa liên quan đến nghệ thuật giá rẻ (túi tote, áo nỉ, áo thun, tất, ô dù và đồ chơi) sản xuất tại Trung Quốc vẫn sẽ bị áp mức thuế 17,5% khi nhập khẩu vào Mỹ.
“Những gì từng có giá phải chăng giờ sẽ trở nên đắt đỏ,” Denise Nicole Green, phó giáo sư thiết kế thời trang và quản lý tại Đại học Cornell chia sẻ, đề cập đến dòng sản phẩm thời trang liên quan đến nghệ thuật của Uniqlo: “Những món hàng từng được sản xuất giá rẻ ở nước ngoài giờ sẽ đắt hơn, đặc biệt là đối với các thương hiệu phổ thông.”
Chi phí vận chuyển tác phẩm nghệ thuật cũng được dự báo sẽ tăng do thủ tục giấy tờ phức tạp hơn và chi phí vận hành mới. “Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu ngay bây giờ chúng ta bắt đầu thấy tình trạng gián đoạn khi các nhà nhập khẩu cố gắng đi trước thuế quan và nhập khẩu càng nhiều càng tốt,” Wendy Edelberg, nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Brookings và nhà kinh tế học, cho biết: “Bản thân điều đó cũng sẽ đẩy giá cả lên cao.”
Vào ngày 10/2, Trump cũng đã áp thuế 25% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu thép và nhôm vào Mỹ. Mỹ nhập khẩu thép chủ yếu từ Canada, Mexico và Brazil. Thép là vật liệu quan trọng trong nhiều tác phẩm nghệ thuật quy mô lớn của các nghệ sĩ đương đại như Jeff Koons, Anish Kapoor, Yayoi Kusama và Antony Gormley. Cả thép và nhôm cũng đóng vai trò quan trọng trong ngành xây dựng và thường được sử dụng cho mặt ngoài của các bảo tàng nghệ thuật lớn.
Vấn đề thuế quan có khả năng trở nên tồi tệ hơn với ngành nghệ thuật trong thời gian tới. Trump cũng đã đe dọa áp thuế đối với Liên minh Châu Âu, Đài Loan và các quốc gia khác. Edelberg cho rằng các doanh nghiệp nhỏ như phòng trưng bày sẽ gặp khó khăn hơn trong việc xử lý thuế quan, bao gồm quản lý chuỗi cung ứng, đàm phán lại hợp đồng và vận động chính sách. Những phòng trưng bày này vốn đã bị thiệt thòi do quy mô nhỏ, và giờ đây sẽ càng chịu nhiều tổn thất hơn do có ít quyền thương lượng hơn so với các phòng trưng bày lớn có chi nhánh toàn cầu.
“Các phòng trưng bày nhỏ sẽ có ít quyền đàm phán hơn với khách hàng, đồng nghĩa với việc họ khó có thể đẩy phần chi phí tăng lên sang người mua. Nếu muốn giữ chân khách hàng, họ có thể buộc phải tự gánh chịu phần thuế quan đó. Điều này sẽ khiến việc kinh doanh trở nên kém lợi nhuận hơn,” Edelberg nói: “Chi phí sẽ tăng trên toàn diện.”
Dẫu vậy, không phải ai cũng bi quan. Wendy Xu, tổng giám đốc khu vực châu Á của White Cube, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi chưa thấy tác động lớn, nhưng vẫn sẽ theo dõi sát tình hình.”