Kết quả khảo sát tại 238 DN (doanh nghiệp) tại Nghệ An cho thấy, mức bình quân của các DN thưởng cho người lao động Tết Âm lịch là từ 4,6 - 5,6 triệu đồng/người; cao nhất là 120 triệu đồng/người, thấp nhất là 450 nghìn đồng/người.
Còn tại TPHCM, mức thưởng tết cao nhất 855 triệu đồng, Đồng Nai: 408 triệu đồng, Cần Thơ: gần 467 triệu đồng…
Tuy nhiên, mức thưởng Tết cao đến không tưởng như vậy so với mức thu nhập bình quân chung, chỉ dành cho một số rất ít người, thường là các Giám đốc, chủ doanh nghiệp… Bình thường, những cá nhân này đã có mức lương, thưởng, thù lao rất cao. Nay dù có thêm mức thưởng “khủng”, đối với họ cũng không có nhiều ý nghĩa.
Còn đại đa số công nhân lao động, mức thưởng Tết chỉ tương đương một tháng lương. Phần lớn trong số họ không hy vọng gì vào khoản thưởng Tết có thể lo cái Tết tươm tất hoặc có thêm một khoản tích lũy kha khá.
Đương nhiên là tiền thưởng tết phải phù hợp với “sức khỏe” tài chính của DN. Đối với những DN có số lượng công nhân đông, lương và thưởng không thể cao so với mức bình quân.
Tết, đối với một bộ phận công nhân lao động là một gánh nặng, thêm nỗi vất vả. Những người xa nhà phải tất tả về quê, lo tiền xe tàu, quà cáp, đi lại mệt mỏi, thời gian nghỉ ngắn. Tết có rất nhiều khoản phải chi, trong khi tiền lương vốn đã thấp, tích lũy hầu như không có gì.
Tết là dịp để chúng ta nhìn lại về mục tiêu nâng cao mức sống cho công nhân lao động. Đã có rất nhiều ý kiến phản ánh mức lương của đa số công nhân hiện nay còn thấp, chưa đảm bảo mức sống tối thiểu, người lao động không có tích lũy, còn gặp nhiều khó khăn về nhà ở, chỗ học cho con, các thiết chế văn hóa – thể thao.
Thiết nghĩ, chăm lo cho người lao động không chỉ là trách nhiệm của riêng một tổ chức, cũng như không chỉ tập trung vào mỗi dịp Tết. Làm sao để thu nhập, đời sống người lao động được bảo đảm, được nâng cao mà không cần đến khoản thưởng Tết.
Theo Lao động