Cảnh sát đã bắt giữ 24 người liên quan đến các vụ đánh bom tự sát, đã 10 năm một thảm kịch đẫm máu mới xảy ra tại đảo quốc Nam Á này kể từ khi cuộc nội chiến giữa phe chính phủ và nhóm phiến quân Những con Hổ giải phóng Tamil kết thúc vào năm 2009.
Theo một phát ngôn viên của lực lượng Không quân, một thiết bị nổ thứ chín đã được phát hiện gần sân bay quốc tế Bandaranaike vào tối Chủ nhật. Điều này cho thấy những kẻ khủng bố đã lựa các địa điểm công cộng tập trung đông người dân và du khách nước ngoài để thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.
Các công dân nước ngoài thiệt mạng trong vụ tấn công bao gồm 5 công dân Anh, 2 trong số đó có song tịch Mỹ-Anh, 3 người Ấn Độ, 2 người Australia, 2 người Trung Quốc, 1 người từ Hà Lan, 2 công dân Thổ Nhĩ Kỳ và 1 người Bồ Đào Nha.
Hiện vẫn chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về các vụ tấn công, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Sri Lanka - ông Ruwan Wijewardene, nói rằng "vụ khủng bố" được thực hiện bởi những kẻ theo "chủ nghĩa cực đoan tôn giáo".
Vào tối Chủ nhật xuất hiện thông tin rằng phía cảnh sát đã được cảnh báo về một cuộc tấn công có thể được thực hiện bởi National Thawahid Jaman (NTJ) - một nhóm Hồi giáo cực đoan do Mohomad Saharan lãnh đạo. Không rõ liệu các thông tin này có liên quan đến vụ đánh bom hôm Chủ nhật hay không.
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết ông và nội các của mình không hề biết gì về thông tin này. Ông Sajith Premadasa - Bộ trưởng xây dựng nhà ở và các vấn đề văn hóa, cho biết các sĩ quan an ninh đã hành động một cách "sơ suất và bất tài".
Các nhà phân tích lại chưa nóng vội đưa ra kết luận thủ phạm của vụ tấn công. Ông Dhruva Jaishankar thuộc quỹ nghiên cứu chính sách đối ngoại Brookings India, cho biết NTJ là một nhóm ít được biết đến, trước đây đã phỉ báng các bức tượng Phật giáo và không có khả năng thực hiện một cuộc tấn công như hôm Chủ nhật mà không có sự trợ giúp.
Mặc dù sự hiện diện của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tại các quốc gia như Pakistan, Malaysia và Philippines, ông Jaishankar cho biết có rất ít thông tin về chủ nghĩa này ở Sri Lanka và rằng "còn quá sớm" để suy đoán về tổ chức thực sự đứng sau vụ việc.
Kitô giáo là một tôn giáo thiểu số ở Sri Lanka, chiếm chưa tới 10% tổng dân số nước này (21,4 triệu người). Theo dữ liệu điều tra dân số, 70,2% người Sri Lanka theo Phật giáo, 12% theo đạo Hindu, 9,7% theo Hồi giáo và 7,4% theo Kitô giáo, chủ yếu theo nhánh Công giáo Roma.
Nhà thờ và khách sạn trở thành đích ngắm
Làn sóng tấn công đầu tiên xảy ra tại các khu vực nhà thờ Công giáo nơi đang tổ chức lễ Phục Sinh. Hơn 1.000 người đã có mặt tại nhà thờ Thánh Sebastian, nơi 102 người đã thiệt mạng sau đó.
Khi nghi lễ Phục Sinh đang được tiến hành tại các nhà thờ ở các thành phố Colombo, Negombo và Batticaloa, các phần tử khủng bố đã kích nổ các quả bom của chúng, biến nhà thờ trở thành đống đổ nát.
"Có thể nhìn thấy những mảnh thịt bị văng lên khắp các bức tường, trên bàn thờ và thậm chí bên ngoài nhà thờ," Cha Edmond Tillekeratne thuộc Tổng giáo phận Colombo nói.
Nhiều vụ nổ khác đã làm phá hủy 3 khách sạn hạng sang ở thủ đô Colombo: Shangri-La, Cinnamon Grand và Kingsbury, nơi tập trung phần lớn người nước ngoài và các doanh nhân bản địa. Tại khách sạn Shangri-La, quả bom đã phát nổ sau 9 giờ sáng (giờ địa phương) tại quán cà phê Table One khi nhiều người đang ăn sáng.
Ông Jaishankar, người đã từng ở tại cả 3 khách sạn kể trên, cho biết có rất ít "chốt gác an ninh" tại các địa điểm này.
Một vụ nổ khác làm rung chuyển khách sạn trước vườn thú Dehiwala ở thành phố Dehiwala-Mount Lavinia. Vụ nổ cuối cùng đã tấn công một ngôi nhà tư nhân ở Dematagoda - vùng ngoại ô của thủ đô Colombo, đã có ít nhất 3 cảnh sát thiệt mạng sau các vụ đánh bom.
Trong những năm gần đây, Sri Lanka đã trở thành một điểm đến nghỉ dưỡng lý tưởng, đón 2,2 triệu lượt khách trong năm 2017 so với chỉ hơn 1 triệu vào năm 2012..
Sự trỗi dậy của IS ở châu Á
"Chúng tôi đã không có bất kỳ phong trào ly khai nào trong 10 năm qua và điều này đã gây sốc cho tất cả chúng tôi", Bộ trưởng Premadasa nói.
Cuộc nội chiến tại Sri Lanka kết thúc vào năm 2009, sau khi cướp đi khoảng 70.000 đến 80.000 sinh mạng. Với kinh nghiệm sau nhiều năm xung đột, chính phủ Sri Lanka được cho là có đủ khả năng đương đầu với các hoạt động khủng bố.
"Trong cuộc chiến kéo dài 30 năm, đã có những cuộc tấn công bừa bãi nhắm vào tất cả các tổ chức, họ (Những con Hổ giải phóng Tamil) không tha cho bất kỳ ai trong con đường tiến tới một nhà nước ly khai, nhưng chúng tôi đã chiến thắng trong việc đánh bại khủng bố", ông Premadasa nói thêm.
Mục tiêu của các cuộc tấn công tại Sri Lanka vào cuối tuần vừa qua gợi nhớ tới các vụ đánh bom đẫm máu của tổ chức khủng bố IS trước đây.
Vào tháng 1 năm 2019, IS đã nhận trách nhiệm về một cuộc tấn công đã giết chết ít nhất 20 người trong một nhà thờ ở Philippines. Cuộc tấn công cũng diễn ra vào Chủ nhật, khi các giáo dân tới đây làm lễ.
Vào tháng 5 năm 2018, tổ chức khủng bố này đã nhận trách nhiệm thực hiện các vụ tấn công tại 3 nhà thờ ở Indonesia, giết chết ít nhất 12 người và làm bị thương hàng chục người khác.
Sự sụp đổ của IS ở Iraq vàSyria đã khiến 5.600 tay súng mang quốc tịch nước ngoài phải trở về nước kể từ tháng 10/2017.
Ông Jaishankar nói rằng Sri Lanka có thể đã trở nên tự mãn về các hoạt động chống khủng bố kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến. "Điều này có thể sẽ trở thành một lời cảnh tỉnh cho điều đó", ông nói thêm.