Sử dụng công nghệ tia X, các nhà cổ sinh vật học đã nghiên cứu những chiếc răng hóa thạch của một số loài động vật có vú sớm nhất trên Trái đất, Morganucodon và Kuehneotherium, những loài ăn côn trùng có kích thước tương đương loài chuột chù, sống ở kỷ Jura Sớm, tại khu vực ngày nay là miền Nam xứ Wales.
Các chuyên gia từ Đại học Bristol của Vương quốc Anh và Đại học Helsinki của Phần Lan đã nghiên cứu các vòng tăng trưởng trong hốc răng mẫu vật, phát hiện ra những con vật này sống được tới 14 năm, trong khi các loài động vật hiện đại có kích thước tương tự như chuột và chuột chù, chỉ có tuổi thọ từ 1-2 năm ngoài tự nhiên.
"Chúng tôi đã tái tạo chân răng ở chế độ 3-D và những điều này cho thấy loài Morganucodon sống được tới 14 năm và Kuehneotherium có tuổi đời đến 9 năm. Tuổi thọ của chúng còn dài hơn nhiều so với các thế hệ con cháu sau này", tiến sĩ Elis Newham từ Đại học Bristol cho biết.
"Mặt khác, chúng khá giống động vật có vú ở bộ xương, hộp sọ và răng. Chúng có bộ răng nhai chuyên biệt, bộ não tương đối lớn và có thể có lông, nhưng tuổi thọ cao cho thấy chúng có vòng đời của loài bò sát hơn là động vật có vú”, tiến sĩ Newham nói.
Newham cho biết cách đây 270 triệu năm, máu của tổ tiên động vật có vú mới bắt đầu nóng dần, nhưng cho tới tận 70 triệu năm trước, các loài vật đó vẫn hoạt động giống như những loài bò sát hơn là động vật có vú hiện đại.
Newham cho biết trước đây người ta cho rằng các đặc điểm chính của động vật có vú - bao gồm cả tính máu nóng của chúng - đều tiến hóa cùng một lúc.
"Ngược lại, phát hiện của chúng tôi cho thấy rõ ràng rằng, mặc dù chúng có bộ não lớn hơn và hành vi tiên tiến hơn, nhưng chúng không sống nhanh và chết trẻ mà có cuộc sống chậm hơn, lâu hơn giống như những loài bò sát nhỏ, như thằn lằn", ông Newham chỉ ra.