Tất cả chợ đầu mối tạm dừng hoạt động, chợ truyền thống và chợ tạm cũng nghỉ bán, tôi quyết định đi siêu thị và các cửa hàng thực phẩm để tìm mua rau củ quả và cũng để kiểm chứng thông tin về giá cả thị trường. Đương nhiên, tôi phải tuân thủ tất cả các biện pháp phòng chống dịch.
Tôi tìm khổ qua, đậu bắp, ớt và hành lá
Cửa hàng Vinmart+ ở Khu đô thị An Phú - An Khánh (P.An Phú, TP.Thủ Đức) lúc 11 giờ trưa tương đối vắng vẻ, chỉ tầm 5-7 người cả phụ nữ và đàn ông đi tìm mua thực phẩm. Tủ thịt heo, thịt bò, cá hút chân không và các loại thức ăn đóng hộp vẫn còn nhiều, ít được quan tâm hơn những ngày đầu giãn cách.
Hai kệ nông sản ở lối đi trung tâm đông người hơn cả, ai cũng muốn tìm thực phẩm tươi ngon cho gia đình nhưng thời điểm này không có quá nhiều sự lựa chọn. Trên kệ là một vài bó tần ô, mồng tơi, cải ngọt, rau tía tô, rau thơm, xà lách, ngò rí, ớt chuông và bầu sao... Ở giữa, một nữ nhân viên đang ngồi lựa từng bó rau muống xếp gọn gàng.
Tôi rời cửa hàng Vinmart+ với một trái bầu sao, túi ngò rí, bó rau muống và một cây xà lách mỡ Đà Lạt. |
Tôi tìm mua một ít khổ qua, đậu bắp, ớt trái và hành lá nhưng nhân viên thông báo không có hàng. Tôi rời cửa hàng với một trái bầu sao, một túi ngò rí nhỏ, một bó rau muống và một cây xà lách mỡ Đà Lạt với giá tổng cộng 46.000 đồng. Trong hoá đơn tính tiền, đơn giá bán bầu sao là 22.500 đồng/kg, ngò rí là 67.900 đồng/kg, rau muống là 25.500 đồng/kg và giá bán xà lách mỡ là 80.000 đồng/kg.
Tôi tiếp tục di chuyển sang cửa hàng Bách Hoá Xanh ở P.An Khánh, TP.Thủ Đức, cách đó chừng 3km để tìm một số loại rau củ quả mà ban đầu dự định sẽ mua. Lúc này, cửa hàng khá đông nên những người đi mua thực phẩm phải xếp hàng chờ tới lượt vào bên trong mua thịt cá, các loại đồ hộp và gia vị...
Ở không gian bên ngoài là kệ hàng với nhiều giỏ cà chua, hành tây, dưa leo, chanh, cải ngọt, cải thảo, rau diếp cá, tía tô... nhưng tất cả đã vơi dần. Theo thông tin được niêm yết trên kệ, cà chua và dưa leo được bán với giá 33.000 đồng/kg, chanh và cải thìa là 30.000 đồng/kg, ngò gai - rau ôm là 50.000 đồng/kg, bí đỏ tròn và bí hồ lô lần lượt là 35.000 đồng/kg và 43.000 đồng/kg...
Bách Hoá Xanh cũng không có khổ qua, đậu bắp, ớt trái. Hành lá thì bắt đầu hư hỏng. |
Tôi tìm mãi vẫn không có những thứ tôi cần là khổ qua, đậu bắp, ớt trái nên hỏi nhờ nhân viên nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu và mong thông cảm vì không có hàng. Riêng về hành lá, khi tôi tìm thấy giỏ hàng thì chỉ còn lại những cây hành bắt đầu úng và nằm lộn xộn. Giá được niêm yết là 45.000 đồng/kg. Tôi đành quay ra mà không mua được gì ở đây!
Sau khi đến hai chuỗi bán lẻ nổi tiếng nhưng không tìm được những thứ cần thiết, tôi quyết định ra một quầy bình ổn giá vừa được triển khai ở bưu cục trên địa bàn TP.Thủ Đức để cầu may. Khoảng 11 giờ 45 phút, quầy hàng không còn khách đến mua, nhân viên bắt đầu thu dọn chỉ để lại một ít rau củ trên chiếc bàn hình vuông rộng chừng 4m2 ở cửa chính, như: xà lách, cải xanh, mồng tơi, khoai sọ, bí đỏ... Các mặt hàng khác như: Tỏi, gừng, chanh, tắc, cà chua... đều không còn.
“Tất cả được bán đồng giá 20.000 đồng/kg. Giá này tụi em bán không có lời. Nếu anh mua rau củ thì em sẽ khuyến mãi thêm ít hành lá và ớt đỏ. Còn khổ qua và đậu bắp thì ở đây tụi em không có. Hành lá và ớt ở ngoài cũng không có đâu anh, tụi em không bán lẻ được, nhưng mua giá cao lắm, 50.000 đồng/kg lận”, một nữ nhân viên giải thích.
Vậy là, sau khi tìm thực phẩm ở ba điểm bán hàng khác nhau, tôi vẫn không tìm thấy những thứ mình mong muốn.
Rau củ quả ở điểm bình ổn thị trường lúc 12 giờ trưa. |
Giá chấp nhận được
Siêu thị Co.op Mart với nhiều mặt hàng bình ổn thị trường trên đường Quang Trung (P.Hiệp Phú, TP.Thủ Đức) vào trưa cùng ngày có rất đông người xếp hàng chờ tới lượt mua sắm. Bên trong, hầu như tất cả các quầy hàng đều tấp nập. Ai cũng tranh thủ chọn những loại nông sản tươi ngon rồi nhanh chóng rời đi, hạn chế nói chuyện, tiếp xúc.
Tại đây, tôi tìm thấy những thứ tôi cần là: khổ qua, đậu bắp, ớt trái và hành lá, bên cạnh đó là nhiều loại rau củ quả khác, số lượng tương đối nhiều và đa dạng chủng loại. Theo bảng thông tin, khổ qua được bán với giá 36.500 đồng/kg, đậu bắp là 33.500 đồng/kg, hành lá 45.000 đồng/kg và ớt hiểm giá 66.000 đồng/kg.
Các loại nông sản khác cũng được niêm yết công khai, như: ngò rí giá 65.000 đồng/kg, ngò gai giá 55.500 đồng/kg, rau ôm giá 46.500 đồng/kg, bí đao là 36.900 đồng/kg, bắp cải trắng là 22.000 đồng/kg, trái su là 23.200 đồng/kg, củ dền là 27.000 đồng/kg, khoai tây hồng là 28.900 đồng/kg, hành tây Đà Lạt là 30.000 đồng/kg...
Tôi tìm thấy ớt ở siêu thị Co.op với giá 66.000 đồng/kg. |
Để tìm hiểu kỹ hơn, tôi tiếp tục liên hệ về các chợ ở Bình Thuận để tìm hiểu giá cả. Theo đó, tiểu thương tại chợ Ma Lâm (huyện Hàm Thuận Bắc) cho biết chi tiết: “Giá khổ qua là 35.000 đồng/kg, ngò rí là 25.000 - 30.000 đồng/kg, ngò gai là 40.000 đồng/kg, đậu bắp là 20.000 đồng/kg, ớt nhỏ là 25.000 đồng/kg, hành lá là 15.000 đồng/kg, xà lách lolo xanh 25.000 đồng/kg...”.
Chủ một cửa hàng có địa chỉ tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), chuyên giao hàng nông sản về Sài Gòn cho biết, giá bán sỉ các loại rau củ quả không chênh lệch nhiều so với giá tại chợ ở Bình Thuận, dao động từ 15.000 đồng/kg đến hơn 30.000 đồng/kg. Nếu so sánh với các cửa hàng ở Sài Gòn thì tuỳ vào sản phẩm, giá ở Sài Gòn sẽ cao hơn từ 10.000 đồng/kg đến 35.000 đồng/kg.
Giá bán các loại rau củ quả ở chợ Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. |
Chị M. - chủ một cửa hàng nông sản sạch ở Q.4 sau khi kiểm tra kỹ hoá đơn mua hàng và thông tin giá cả được niêm yết ở các cửa hàng thực phẩm, đánh giá: “Với kinh nghiệm của người trong nghề, giá tại các cửa hàng này như vậy là chấp nhận được, không quá cao so với nhu cầu thị trường hiện tại. Trong khi giá bán nông sản mà Sở Công thương đang bình ổn cũng gần bằng rồi, nhiều loại dao động ở mức 25.000 đồng – 35.000 đồng.
Hiện tại, các chợ đầu mối đã đóng cửa nên nông sản nhập về rất khó, chi phí vận chuyển cũng tăng gấp đôi do buộc gửi đi bằng xe chở hàng, chứ không gửi theo xe khách như trước được nữa. Nhà xe cũng mất thêm chi phí xét nghiệm Covid-19... Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới giá cả là nguồn hàng được nhập từ nguồn nào, chất lượng hàng ra sao, như hành lá sạch bên cửa hàng của chị bán 70.000 đồng/kg vì nhập từ nhà vườn ở Phú Yên vô, nhưng không có hàng để bán”.
Một số mặt hàng khá khan hiểm trong thời điểm dịch bệnh phức tạp. |
Với các điều kiện chủ quan và khách quan khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, các chợ đầu mối, chợ truyền thống và chợ tạm tại Sài Gòn đóng cửa khiến nhu cầu tích trữ thực phẩm của người dân tăng cao. Trong khi đó, nguồn hàng từ các tỉnh vận chuyển về Sài Gòn gặp nhiều khó khăn do các quy định giãn cách khiến một số mặt hàng khan hiếm, dẫn đến giá cả có nhiều biến động gây ảnh hưởng tâm lý người dân.
Trong bối cảnh này, câu chuyện nguồn hàng và giá cả thị trường cần phải có nhiều hơn sự điều chỉnh từ các cơ quan quản lý để người dân dễ dàng tiếp cận các loại nông sản phổ biến với mức giá phù hợp nhất.