Phát biểu trong phiên bế mạc hội nghị cấp bộ trưởng kéo dài một tuần, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định cơ quan của Liên Hợp Quốc yêu cầu nguồn tài trợ linh hoạt và bền vững.
"Một khuyến nghị mà tôi tin rằng sẽ làm nhiều nhất để củng cố WHO và an ninh y tế toàn cầu đó là một hiệp ước về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch, điều này cũng có thể tăng cường quan hệ giữa các quốc gia thành viên và thúc đẩy hợp tác. Đã đến lúc hiện thực hóa ý tưởng này", hãng thông tấn Reuters dẫn lời ông Tedros.
Tổng giám đốc WHO lập luận rằng đại dịch COVID-19 đã bùng phát do sự thiếu sự chia sẻ dữ liệu, thông tin, mầm bệnh, công nghệ và tài nguyên.
"Một hiệp ước chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch sẽ lấp đầy những khoảng trống này và xây dựng mối quan hệ đối tác giữa các quốc gia để cho phép tạo ra các cơ chế cho an ninh y tế toàn cầu, bao gồm hệ thống cảnh báo sớm, tiếp cận công bằng với vắc xin, dự trữ nguồn cung cấp cho đại dịch và lực lượng lao động khẩn cấp", ông Tedros nói.
Cũng theo ông Tedros, tính liên kết của cộng đồng quốc tế đòi hỏi một cách tiếp cận toàn cầu để giải quyết đại dịch, vì "các quốc gia thành viên chỉ có thể thực sự giữ an toàn cho người dân của họ nếu họ có trách nhiệm với nhau."
Ông kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên cam kết hỗ trợ tiêm chủng cho 10% dân số toàn cầu vào tháng 9 và 30% vào cuối năm nay.
Tính đến 6 giờ sáng nay, toàn thế giới đã ghi nhận 170.513.492 ca mắc COVID-19, 3.546.489 trường hợp tử vong và hiện có hơn 1,8 tỷ liều vaccine đã được sử dụng, theo số liệu của Đại học Johns Hopkins.
Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 với hơn 33,2 triệu ca mắc, xếp thứ hai là Ấn Độ với hơn 28 triệu ca. Đáng chú ý, Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này ghi nhận 152.734 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, mức thấp nhất trong 50 ngày trở lại đây.