Tại hội nghị sơ kết triển khai Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, ông Nguyễn Ngọc Hoà - Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, sau 6 tháng triển khai đã ghi nhận 1.280 cơ sở chăn nuôi đăng ký tham gia, nhưng số lượng cơ sở thực hiện kích hoạt khai báo thông tin về truy xuất nguồn gốc mới hơn 10%.
Đối với cơ sở giết mổ thì diễn biến tương đối khả quan, hiện 10 trong tổng số 25 cơ sở tham gia đề án có kiểm soát và kích hoạt thông tin. Tính đến nay, tổng số lượng heo có đeo vòng nhận diện khi đưa vào cơ sở giết mổ là 444.647 con, nhưng chỉ hơn 233.000 được kích hoạt khi xuất ra.
Hiện, người dân TP HCM có thể truy xuất nguồn gốc thịt với đầy đủ thông tin về cơ sở chăn nuôi, giết mổ, đơn vị phân phối… qua ứng dụng trên smartphone hoặc các máy soi tem đặt tại 786 cơ sở kinh doanh thuộc kênh phân phối hiện đại gồm siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm tươi sống. Trung bình mỗi ngày, kênh phân phối này tiêu thụ 1.300 con heo.
Bên cạnh đó, chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền cũng vận hành ổn định với mức tiêu thụ 7.000 con mỗi ngày. Trước tình trạng hơn 50% số heo đeo vòng nhận diện mang tính đối phó, không có thông tin nguồn gốc từ trang trại đến cơ sở giết mổ, ban quản lý dự án cho biết sẽ chính thức kiểm soát nguồn heo cung ứng bằng biện pháp chế tài, bắt buộc thịt heo phải truy xuất được nguồn gốc mới cho vào chợ đầu mối.
Đánh giá về khó khăn khi triển khai đề án, ông Hoà cho rằng vấn đề lớn nhất là đa số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đăng ký tham gia hoặc đăng ký nhưng chưa cung cấp heo. Các cơ sở chăn nuôi khác chưa có thói quen sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại hoặc địa điểm không có wifi, sóng điện thoại chập chờn nên quy trình truy xuất diễn ra lúng túng.
Bên cạnh đó, việc triển khai đề án vào thời điểm tiêu thụ heo trên thị trường gặp khủng hoảng do giá bán giảm mạnh vì thương lái Trung Quốc ngừng thu mua, cộng thêm chi phí đầu tư phát sinh 6.000 đồng cho vòng nhận diện một con heo cũng khiến áp lực đè nặng lên cơ sơ chăn nuôi.
“Tuy nhiên, người tiêu dùng ngày nay thông minh và cẩn thận hơn khi lựa chọn thực phẩm nên việc truy xuất nguồn gốc thịt heo, cũng như một số loại nông sản khác là đòi hỏi tất yếu của thị trường, dù khó cũng phải kiên trì thực hiện”, ông Hoà nói.
Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương TP HCM cho biết, sau khi triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo và rau củ, dự kiến từ đầu tháng 9 sẽ tiếp tục triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng gia cầm. Điểm khác biệt của đề án này là thịt và trứng gia cầm sẽ thực hiện truy xuất từ con giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi, tiêm chủng cho đến tay người tiêu dùng. Đơn vị này cũng đang tính đến việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nhập khẩu như thịt bò, gà đông lạnh… nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu, phân phối.