Bác sĩ Nguyễn Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, cho biết mỗi ngày cơ sở y tế này tiếp nhận khoảng 5.000 bệnh nhi đến khám. Trong đó có khoảng 4.000-4.500 trẻ nhập viện điều trị nội trú. Đa số bệnh nhi mắc các bệnh tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết. Đáng báo động nhất là tiêu chảy cấp.
Chưa có thống kê đầy đủ về số lượng bệnh nhi nhập viện do dịch tả, nhưng theo bác sĩ Hoàng số bệnh nhi mắc bệnh này luôn cao hơn so với các bệnh khác.
Bệnh tiêu chảy xảy ra quanh năm nhưng hay gặp nhiều nhất vào mùa nắng, nóng. Nhiệt độ 33-35 độ C là điều kiện thuận lợi cho vi trùng sinh sôi. Lứa tuổi mắc bệnh từ trẻ nhỏ cho đến người cao tuổi. Tiêu chảy cấp tính nặng có thể dẫn đến tử vong nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo bác sĩ Hoàng, dấu hiệu trẻ bị tiêu chảy cấp, phải nhập viện sớm là trẻ bài tiết ra phân nhanh, lỏng, có khi toàn nước, lẫn máu, có khi có màu hoa cà, hoa cải, mùi tanh, có khi chỉ thấy toàn nước đục như nước vo gạo và đi ngoài nhiều lần trong một ngày đêm.
Nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy vào mùa nắng nóng như sữa, thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhất là vi khuẩn thương hàn (salmonella), vi khuẩn lỵ (shigella), vi khuẩn E.coli và đặc biệt là vi khuẩn tả (vibrio cholerae) gây bệnh tiêu chảy cấp tính nặng, có thể dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Hoàng lưu ý đối với trẻ nhũ nhi hay mút tay, ngậm đồ chơi, nước bọt là môi trường thuận lợi cho vi trùng xâm nhập. Các bậc phụ huynh phải thường xuyên lau tay, khử trùng đồ chơi cho trẻ. Khi đi ngoài đường về, cha mẹ cũng phải rửa tay, khử khuẩn sạch trước khi tiếp xúc với trẻ.
Khi trẻ bị tiêu chảy, gia đình cần cho trẻ đến khám ở cơ sở y tế, không nên tự động sử dụng mua thuốc kháng sinh.
“Trẻ đã uống vắc xin Rotavirus vẫn có thể mắc bệnh, nên cha mẹ không được chủ quan với loại bệnh này”, bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.