Do đây là bệnh tế nhị, ít người đi khám mà lẳng lặng tự áp dụng những lời mách nước, khiến bệnh tai biến nguy hiểm.
Nhiễm trùng huyết vì đắp lá sung
Ông Dương Văn L. (ngụ Long An) cho biết, ông bị trĩ gần một năm nay. Nghe nói có bài thuốc gia truyền từ lá sung rất hiệu quả, ông bắt đầu hái lá về tự điều trị. Mỗi ngày, ông dùng 10 lá sung, giã nhuyễn rồi đắp vào chỗ trĩ, đắp từ 1-2 lần/ngày.
Khi mới đắp, ông có cảm giác mát, không còn nóng rát và chảy máu hậu môn. Tuy nhiên, vài ngày sau, vết thương đau rát dữ dội, kèm triệu chứng sốt. Tại bệnh viện, các bác sĩ (BS) chẩn đoán ông bị trĩ sưng, tổn thương, lở loét, rỉ máu.
ThS-BS Trần Anh Trứ - khoa Hậu môn trực tràng, Bệnh viện An Sinh cho biết khi mắc bệnh trĩ (dù không biết nặng hay nhẹ), do là vùng nhạy cảm nên đa số bệnh nhân đều tự ý điều trị bằng cách đắp lá thuốc, chỉ khi bệnh rất nặng mới đến bệnh viện. Số bệnh nhân tới bệnh viện điều trị do biến chứng từ đắp lá hay chích xơ trĩ kiểu gia truyền rất đông. Trong đó, thường gặp nhất là đau sau đắp thuốc.
Nặng hơn là các biến chứng như hẹp hậu môn, thậm chí có trường hợp còn bị nhiễm trùng huyết, ăn lan đến màng não gây viêm não hoặc hoại tử cả vùng chậu và tầng sinh môn (hoại tử Fournier).
BS CKII Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên bộ môn y học cổ truyền, ĐH Y Dược TP.HCM - cho biết quả sung vị ngọt, tính bình, có công dụng kiện tỳ ích vị, nhuận phế lợi hầu, nhuận tràng thông tiện, tiêu thũng giải độc. Thường được dùng để chữa các chứng bệnh như viêm ruột, kiết lỵ, táo bón, trĩ xuất huyết, sa trực tràng, viêm họng, ho, sản phụ thiếu sữa, mụn nhọt lở loét, chán ăn, phong thấp..
Tuy nhiên, nếu dùng sung để trị trĩ chỉ nên dùng dưới dạng nấu, rồi đem dung dịch đó để xông, ngâm hoặc đắp. Nhựa sung và lá sung không được bôi trực tiếp để chữa trĩ vì sẽ làm bệnh càng tăng nặng.
Bên cạnh đó, một bài thuốc khác cũng được nhiều người truyền nhau là: mật lợn 1 g, pha trong 30 ml nước ấm cho đến khi mật tan, khuấy đều. Dùng tăm bông bôi mật vào trĩ, ngày 2-3 lần. Hoặc dùng bài thuốc gồm trầu không, mỏ quạ, cẩu tích.
BS Huỳnh Tấn Vũ cảnh báo: “Mật lợn là bài thuốc lưu truyền trong dân gian, hiện chưa rõ tác dụng, hoặc trầu không và mỏ quạ chỉ dùng nấu nước rửa vết loét, mẩn ngứa; lông cẩu tích dùng để đắp vết thương, vết đứt tay để cầm máu. Coi chừng có thể đưa mầm bệnh vào cơ thể, tạo điều kiện thuận lợi cho một số vi khuẩn phát triển”.
Tốn tiền, tốn sức “sửa sai”
Theo ThS-BS Trần Anh Trứ, mỗi giai đoạn bệnh có chỉ định phương pháp điều trị khác nhau. Một số bệnh nhân chỉ bị trĩ độ I, độ II chỉ cần thay đổi khẩu phần ăn, thói quen sinh hoạt, điều trị nội khoa như dùng thuốc hoặc các thủ thuật nhẹ. Việc tự ý đắp thuốc vô tình làm bệnh nặng hơn.
Đặc biệt, việc điều trị bệnh trĩ ngoại ở mức độ nhẹ rất nhanh do có thể sờ thấy được. Nhưng cũng do trĩ nằm bên ngoài, dễ tiếp xúc với phân, nước tiểu, nếu bệnh nhân còn tự ý đắp thuốc thì dễ gây biến chứng nguy hiểm, sinh thêm nhiều bệnh và tỷ lệ nhiễm trùng nặng càng cao.
Với trĩ nội, thường người bệnh chỉ nhận biết được khi bệnh đã ở giai đoạn nặng, búi trĩ sa hẳn bên ngoài hậu môn hoặc bị tổn thương dẫn đến xuất huyết nặng, viêm sưng, nhiễm trùng búi trĩ. Nếu không kịp thời điều trị mà tự ý đắp thuốc càng nguy hiểm tính mạng.
Trường hợp trĩ ở giai đoạn nặng, phải phẫu thuật nhưng chỉ sau một đến ba ngày có thể xuất viện, trong khi tự ý đắp thuốc có thể gây biến chứng kéo dài, lúc đó vừa đau, vừa nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu biến chứng nhẹ, bệnh nhân có thể được điều trị nội khoa và xử lý tại chỗ, biến chứng nặng phải cắt bỏ và tạo hình hậu môn mới với thời gian điều trị từ 3-6 tháng, chưa kể những trường hợp nhiễm trùng nặng thì chức năng gan, thận của bệnh nhân cũng bị ảnh hưởng.
Một số bài thuốc chữa trĩ bằng sung
Dùng 10 quả sung, nếu không có quả thì dùng một miếng vỏ cây sung (cỡ hai bàn tay, đẽo bỏ vỏ ngoài) hoặc một nắm lá sung to, nấu với 1,5 lít nước. Tối trước khi đi ngủ đem xông hậu môn, khi nước đỡ nóng (nhiệt độ còn 37-38 độ C thì lấy nước rửa. Mỗi ngày rửa một lần, liên tục 10 ngày (một liệu trình).
Sung tươi 6 g, rễ thị 9 g, sắc uống. Nếu không có quả, có thể dùng lá sung sắc lấy nước xông ngâm tại chỗ chừng 30 phút.
Chữa trĩ ngoại: lấy nửa ký lá sung thái nhỏ đổ ngập nước sắc kỹ rồi để ra chậu cho bệnh nhân ngồi lên xông, sau đó lấy lá đắp lên chỗ đau, hễ nguội lại thay, mỗi ngày hai-ba lần, làm trong hai-ba ngày. Có thể dùng lá sung khô.
Lưu ý: Khi dùng thuốc đắp ngoài, phải lưu ý khâu chế biến, không nên dùng đắp trực tiếp mà phải qua nhiều công đoạn như nấu, pha loãng, gạn lọc… mới sử dụng, công đoạn nào cũng phải chú ý vệ sinh.
BS CKII Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên bộ môn Y học cổ truyền, ĐH Y Dược TP.HCM