Trải nghiệm COVID-19: Câu chuyện từ những bệnh nhân tại Singapore

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) -  Dòng virus Delta hiện đang là nguyên nhân của hầu hết số ca bệnh nhiễm COVID-19 tại Singapore. Ba bệnh nhân trong bài viết này đã kể về trải nghiệm đối mặt với đại dịch cúm toàn cầu sau khi nhận xét nghiệm dương tính.
Cặp vợ chồng Poh Lee và hai đứa con nhỏ. Ảnh: The Straits Times.
Cặp vợ chồng Poh Lee và hai đứa con nhỏ. Ảnh: The Straits Times.

Mắc COVID-19 vài giờ trước khi sinh

Chỉ sáu giờ trước cuộc phẫu thuật mổ lấy thai, chị Poh Wen Ching, 29 tuổi, nhận được cuộc điện thoại lúc nửa đêm để thông báo về một tin xấu. Đó là mẫu xét nghiệm trước khi nhập viện cho thấy chị và chồng đã dương tính với COVID-19. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kế hoạch sinh con của chị.

Trải nghiệm COVID-19: Câu chuyện từ những bệnh nhân tại Singapore ảnh 1

“Ban đầu, tôi nghĩ đó là một trò đùa. Nhưng trông cô ấy rất hoảng loạn. Tôi thấy nước mắt vợ tuôn không ngừng. Tôi ngay lập tức đánh thức cả nhà dậy”, anh Lee, chồng của Poh cho biết.

Vợ chồng Poh sống cùng bố mẹ chồng. Bản thân cô là trưởng phòng kế toán của một công ty. Poh đã quyết định tiêm vaccine khoảng sáu tuần trước sinh, sau khi đọc bài báo về một thai phụ ở Malaysia chết vì COVID-19. Chị đã tiêm đủ hai liều trước khi nhận xét nghiệm dương tính.

“Khi vợ tôi quyết định tiêm, nhiều người đã ngăn cản cô ấy”, anh Lee kể lại. “Họ nói rằng Poh nên cách ly tại nhà và giữ vững điều đó cho đến khi lâm bồn, vì cô ấy cũng gần tới ngày sinh rồi. Nhưng chúng tôi lại nghĩ khác. Câu hỏi lúc đó của chúng tôi là: điều tồi tệ gì sẽ xảy ra nếu vợ tôi không tiêm và rủi ro nhiễm dịch.”

Hai vợ chồng anh Lee đã tìm kiếm các bài báo về việc liệu vaccine có an toàn cho phụ nữ mang thai hay không? Họ cũng tham khảo ý kiến của bác sĩ sản khoa và vị này khuyên họ nên tiêm.

Trong suốt thai kỳ của Poh, chị và gia đình đã có nhiều biện pháp để phòng ngừa, cũng như giữ an toàn cho bản thân trước dịch bệnh. Những điều này gồm tắm ngay sau khi sau khi từ bên ngoài trở về, kể cả với những việc đơn giản như nhận bưu kiện hoặc mua thức ăn.

Sau khi cặp vợ chồng nhận kết quả dương tính, những người còn lại trong nhà cũng xét nghiệm và nhận kết quả tương tự. Tuy nhiên, may mắn là họ chỉ xuất hiện những triệu chứng rất nhẹ và tình trạng này giảm hẳn sau ba ngày. Riêng con gái của cặp vợ chồng - người duy nhất không tiêm vaccine vì chưa đủ tuổi - bị sốt kéo dài năm ngày, ho và sổ mũi trong khoảng 10 ngày.

Trong vòng 48 giờ sau cuộc gọi nửa đêm đó, gia đình họ hoàn toàn đảo lộn và hầu như không ngủ. Họ không tưởng tượng được kịch bản nào sẽ xảy đến tiếp theo. Vào thời điểm đó, chương trình tự điều trị và phục hồi dành cho bệnh nhân COVID tại nhà được giới thiệu như một kế hoạch thử nghiệm từ ngày 30/8-15/9, còn rất mới và phát sinh nhiều vấn đề trở ngại.

Cuối cùng, Poh cũng được đưa đến Bệnh viện Phụ nữ & Trẻ em KK của Singapore vào ngày 24/9, khi Bộ Y tế nước này yêu cầu những sản phụ mắc COVID phải phục hồi tại nhà hoặc điều trị ở bệnh viện công.

Ca mổ lấy thai được tiến hành vào ngày 28/9, khi Poh được xác định âm tính, không còn nguy cơ lây nhiễm. Chị được bế con ngay sau sinh, nhưng những người trong gia đình chỉ có thể gặp hai mẹ con sau ngày 2/10, khi thời hạn cách ly của họ kết thúc. Đứa con mới sinh của Poh không được xét nghiệm COVID-19, bởi các bác sĩ cho rằng điều đó không cần thiết.

Anh Lee cho biết: “Việc tiêm vaccine cho phụ nữ mang thai là vô cùng cần thiết. Thật may khi gia đình chúng tôi đã làm điều đó”. Là nhà đồng sáng lập trang web truyền thông Sure Boh Singapore, anh Lee đang vận động những người khác chuẩn bị tinh thần tốt nhất để đối phó với COVID-19.

Anh cho biết, phần lớn nỗi sợ ban đầu đến từ việc anh đã không tiêm COVID-19. “Trong 24 giờ đầu tiên, tôi đã rất bối rối. Nếu bạn chuẩn bị cho việc mắc COVID, khi nó xuất hiện, bạn đơn thuần chỉ bị sốc, không đến nỗi không biết làm gì và không kiểm soát được sự lo lắng”.

Lee hy vọng những chia sẻ của anh phần nào giúp giảm bớt sự hoang mang khi được chẩn đoán mắc COVID.

Sau khi gia đình anh khỏi bệnh, bố anh, một thợ máy, đã xin nghỉ việc để tránh cho khách hàng những lo lắng về việc nhiễm virus. Con gái anh được phép quay trở lại trường sau 20 ngày cách ly.

“Có một sự kỳ thị trong xã hội về dịch bệnh”. Anh Lee nói thêm: “Nếu kết quả của bạn là dương tính, mọi người sẽ nhìn bạn khác đi. Rất nhiều người vẫn còn sợ hãi. Vì vậy, việc của chúng ta là cẩn thận và phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất”.

Sức khỏe tâm thần bị ảnh hưởng

Khi bà Umma, 50 tuổi, bị sốt vào ngày 7/7, hai hôm sau mũi tiêm vaccine đầu tiên, bà đã nghĩ rằng đó là tác dụng phụ của mũi tiêm. Nhưng trong vài ngày tiếp theo, các thành viên trong gia đình xuất hiện tình trạng nóng sốt, bà biết có gì đó không ổn.

Trải nghiệm COVID-19: Câu chuyện từ những bệnh nhân tại Singapore ảnh 2

Hộ gia đình của Umma gồm 9 người đã nhận kết quả dương tính với COVID-19. Chỉ có cha bà, người năm nay 92 tuổi và đã tiêm chủng đầy đủ, không nhiễm bệnh.

“Vào thời điểm đó, số ca phát hiện trong cộng đồng rất ít, mỗi ngày chỉ ở mức một con số”. Bà Umma, người từ chối tiết lộ đầy đủ tên mình, nói. "Vì vậy, khi chúng tôi nhận được thông tin, chúng tôi đã rất sốc”.

Sau đó phần lớn gia đình bà - những người chưa từng tiêm vaccine trước đó - bị chia tách, chuyển đến điều trị tại các bệnh viện khác nhau.

Bà Umma, cùng với chồng, mẹ ruột và con rể dành phần lớn thời gian để chữa trị và hồi phục tại Trung tâm Quốc gia về các bệnh truyền nhiễm của Singapore (ICU). Hai người cháu 5 tuổi và 3 tuổi của bà được đưa đến Bệnh viện Phụ nữ & Trẻ em KK cùng với mẹ lũ trẻ và một người giúp việc. Trong khi đó, người bố của bà Umma được đưa đến khách sạn để cách ly và theo dõi.

Cả gia đình họ có triệu chứng tương đối nhẹ, hầu hết đều khỏi sốt sau một ngày. Riêng những đứa trẻ thì không có biểu hiện của COVID-19.

Bản thân bà Umma bị sốt bốn ngày. Bà phải nằm lại viện tám ngày trước khi chuyển sang một cơ sở phục hồi cộng đồng. Và trải nghiệm này đã khiến bà lo lắng trong hơn một tháng, thậm chí sau khi đã âm tính và hồi phục thể chất.

Cụ thể, trong viện, bà Umma đã yêu cầu được nằm chung phòng với mẹ của mình, người năm nay 80 tuổi và đã tiêm đủ hai mũi để tìm kiếm sự hỗ trợ tinh thần. Sau khi xuất viện, bà tránh đọc bất kỳ tin tức nào về COVID-19, và luôn sợ hãi bị tái nhiễm.

“Tôi sử dụng nước rất nóng để rửa mặt và tắm. Nhưng khi cơ thể tôi nóng lên, ngay lập tức tôi liên tưởng đến lúc nhiễm COVID và làm mọi cách để kiểm tra xem mình có sốt hay không. Thậm chí khi hắt hơi vì bụi bẩn, tôi cũng lo sợ”

Sức khỏe tinh thần của bà Umma chỉ dần cải thiện sau khi bà nhận giấy gọi tiêm liều vaccine thứ hai. Đồng thời, bà ra sức kêu gọi mọi người xung quanh hãy tiêm ngừa COVID.

“Trước đây, tôi là người rất dũng cảm. Bất cứ khi nào có vấn đề gì, tôi đều là người trấn an người khác và tỏ ra bình tĩnh. Nhưng khi đối mặt với COVID, tôi lại là người hèn nhát nhất. Mẹ tôi, người được tiêm đầy đủ, đã tỏ ra rất mạnh mẽ và tự tin rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra. Còn tôi, chưa tiêm đủ, tôi đã rất lo lắng".

Theo ông Dinesh Vasu Dash, giám đốc Ban Chiến lược và Hành động Khủng hoảng của Bộ Y tế Singapore, nếu có biện pháp phòng ngừa thích hợp, mức độ lan truyền của virus vào các hộ gia đình sẽ thấp hơn 10% so với các trường hợp khác.

Một nghiên cứu tại Anh được công bố vào tháng 4 cho thấy những người bị nhiễm bệnh đã tiêm một liều vaccine như Pfizer hay AstraZeneca giảm khả năng lây truyền virus trong gia đình từ 38-49% so với những người hoàn toàn không được tiêm phòng.

Trong phòng chăm sóc đặc biệt

Bốn ngày sau nhận xét nghiệm dương tính với COVID-19, ông Ng, một chủ cửa hàng tại Khu phức hợp Chinatown, Singapore, đã có mặt tại ICU với một ống oxy lưu thông cao nối với khí quản để hỗ trợ cho việc thở.

Trải nghiệm COVID-19: Câu chuyện từ những bệnh nhân tại Singapore ảnh 3

Thông thường, mức oxy trong máu của người 60 tuổi ít nhất đạt mức độ 95%, tuy nhiên chỉ số này ở ông Ng đã giảm xuống dưới 90%. COVID-19 đã âm thầm lây lan trong cơ thể và ông Ng không nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào cảnh báo về vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Tuy nhiên mẹ và chị gái, những người nói chuyện với ông qua điện thoại vào ngày hôm sau khi ông nhận xét nghiệm dương tính là những người đầu tiên nhận ra sự khác biệt. "Họ nói rằng tôi đang thở rất mạnh, điều mà chính bản thân tôi cũng không biết. Sau đó tôi dần dần cảm nhận được điều đó, nhưng không đến nỗi quá khó chịu”, ông Ng nói.

Ông Ng đã nhận kết quả dương tính sau một lần lấy mẫu cộng đồng trong ngày 10/9 và nhập viện vào ngày hôm sau. Sau hai ngày ở bệnh viện, ông được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt.

Ông Ng, người chỉ muốn công khai họ của mình, cho biết vào thời điểm đó ông vẫn tỉnh táo và không gặp khó khăn khi thở. Nhưng quyết định chuyển ông đến phòng chăm sóc đặc biệt đã khiến các thành viên trong gia đình lo lắng. "Khi họ nghe từ 'ICU', họ nghĩ chắc hẳn nó rất nghiêm trọng. Họ còn thấy cảnh tôi phải đeo mặt nạ thở."

Ông Ng đã ở lại ICU ba ngày, một thời gian tương đối ngắn, trong khi một số bệnh nhân khác cần được chăm sóc đặc biệt ít nhất khoảng hai tuần. Các bác sĩ tin rằng ông đã được bảo vệ khỏi nguy cơ xấu nhất bởi trước đó đã tiêm đầy đủ vaccine.

Ngoài oxy bổ sung, ông Ng đã dùng một hỗn hợp thuốc chống virus, trong đó có một loại steroid gọi là dexamethasone và một loại chống đông đặc máu vì một số bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ bị đông máu.

Sau khi ổn định, ông Ng được chuyển trở lại khu cách ly trước khi xuất viện vào ngày 24/9. Ông nói một cách đầy biết ơn về các nhân viên y tế rằng, họ đã chăm sóc ông bất chấp các quy định khó khăn buộc họ phải tuân thủ. "Mỗi lần có ai đó vào phòng tôi ngay cả khi chỉ để đo nhiệt độ cơ thể, họ sẽ dọn dẹp và mặc một bộ đồ bảo vệ cá nhân mới".

"Khi ở trong phòng chăm sóc đặc biệt, chỉ cần nồng độ oxy của tôi tụt xuống, các y bác sĩ sẽ nhanh chóng vào phòng, làm mọi cách để các chỉ số ổn định trở lại. Tôi tin họ đã toàn tâm toàn ý giám sát mọi bệnh nhân," ông cho biết thêm.

Theo The Straits Times.

Thiếu tá Hà Thanh thuyết minh phòng truyền thống cho các chiến sĩ mới.
Không phải cứ cầm súng mới là chiến đấu
(Ngày Nay) - Là một người vợ, một người mẹ nhưng trên hết là một người con của Tổ quốc, những nữ quân nhân luôn xứng đáng được tôn vinh với sự hi sinh cao cả cho sự nghiệp bền vững của dân tộc. Hơn 15 năm công tác tại quân đội, Thiếu tá Đinh Thị Hà Thanh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tỏa sáng với phẩm chất “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
Ta đi theo ánh lửa từ trái tim mình...
(Ngày Nay) - Tròn 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với toàn dân đã lập nên những chiến công vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
Quân đội Ukraine thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng
(Ngày Nay) - Vào một buổi chiều giá lạnh gần đây tại thành phố Kovel, miền Tây Ukraine, một người đàn ông tóc bạc, mặc quân phục chuẩn bị lên tàu. Vài phút sau, tàu rời ga trong một hành trình dài về phía Đông đất nước, hướng đến tiền tuyến trong cuộc chiến với Nga.
Ảnh minh hoạ.
Nga phát triển phương pháp mới chống bệnh huyết khối
(Ngày Nay) - Các nhà khoa học thuộc Đại học Vật lý và Công nghệ Moskva và Trung tâm Khoa học Lâm sàng Liên bang về Y học Hóa lý mang tên Lopukhin trực thuộc Cơ quan Y Sinh Liên bang của Nga đã phát triển một phương pháp mới để phân tích các hoạt chất sinh học có tác dụng trong việc tìm kiếm thuốc chống đông máu - những chất ngăn chặn hình thành cục máu đông.
Tiết mục biểu diễn văn nghệ của các thành viên Tổ chức Giao lưu Văn hóa Việt Nam-Australia (VACEO). Ảnh: Lê Đạt/PV TTXVN tại Australia.
2024 là năm "bội thu" của ngoại giao văn hóa Việt Nam
(Ngày Nay) - Trao đổi văn học nghệ thuật, trao đổi văn hóa du lịch, giao lưu thể thao, trao đổi học thuật, trao đổi triển lãm và các hoạt động văn hóa khác là những biểu hiện chính của ngoại giao văn hóa.
“Việt Nam là bạn…”
“Việt Nam là bạn…”
(Ngày Nay) - Không chỉ bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng tham gia hoạt động Gìn giữ Hòa bình Liên Hợp Quốc tại các quốc gia và khu vực đói nghèo, có xung đột vũ trang tại Châu Phi. Cùng với đó, bộ đội ta cũng từng lên đường hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất… Tại sao phải cử bộ đội đi lo những chuyện “thiên hạ”? Đó có phải là những việc làm phù phiếm và viển vông?