Ông Thức (ngụ ấp Trường Đông A, xã Tân Thới, H.Phong Điền) kể trước kia khu đất rộng khoảng 1 ha được ông trồng cam mật, nhãn, cóc, dâu Hạ Châu... nhưng hiệu quả không cao do trồng xen nhiều loại cây. Thấy trồng sầu riêng hiệu quả cao, ông quyết định phá bỏ các loại cây trong vườn, tập trung trồng chuyên canh loài cây đặc sản này. Hiện tại, vườn nhà ông Thức trồng sầu riêng giống Ri6 với độ tuổi cây trên 17 năm, có cây to một người lớn ôm không giáp vòng tay. Năm nay, sản lượng sầu riêng khoảng 14 tấn trái, với giá bán từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, ông thu khoảng nửa tỉ đồng.
Tuy năng suất và thu nhập không phải ở dạng “khủng” nhưng nhiều người thán phục ông Thức bởi mức đầu tư chi phí vật tư nông nghiệp, công chăm sóc cho vườn cây trái của ông rất ít, chỉ khoảng vài chục triệu đồng.
Ông Thức cho biết tiết kiệm được chi phí đầu vào là nhờ ông đã nắm hết các nguyên tắc xử lý và chăm sóc cây sầu riêng trong từng thời kỳ sinh trưởng cũng như xử lý cho cây ra hoa, đậu trái đến khi thu hoạch. Mỗi giai đoạn của cây ông sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thích hợp, đúng liều lượng, tránh gây lãng phí do dư thừa.
Theo ông Thức, sầu riêng là loại cây dễ trồng, thu hoạch được nhiều năm, cây cho trái năng suất khá, nhẹ công chăm sóc, ít sâu bệnh và giá cả tương đối ổn định... Vì vậy cả chục công sầu riêng chỉ một mình ông làm mà không cần thuê lao động. Khi được hỏi về bí quyết để cây sầu riêng trúng mùa, ông cho biết ngoài nắm vững các nguyên tắc và thời kỳ sinh trưởng của cây thì khâu xử lý ra lá, hoa là yếu tố quan trọng quyết định số lượng và chất lượng của trái sầu riêng.
“Muốn cây sầu riêng ra nhiều trái thì phải chú ý để lá đủ dày, khỏe mới quang hợp tốt, nuôi trái mới chất lượng. Bên cạnh đó, yếu tố ra nhiều hoa cũng giúp cho cây đậu nhiều trái, từ đó mới có thể lựa giữ lại những trái đẹp, không sâu bệnh. Theo kinh nghiệm của tôi, khoảng cách giữa các cây trồng từ 8 - 10 m là lý tưởng nhất, giúp cây nhận được nhiều ánh sáng, ra nhiều nhánh thì tỷ lệ ra hoa sẽ cao hơn trồng dày”, ông Thức chia sẻ.
Theo ông, không nên xử lý cho cây ra hoa vụ nghịch (tức từ tháng 5 - 10) vì vụ này cây chỉ cho năng suất khoảng 70% so với vụ thuận (từ tháng 1 - 5) mà cây sẽ mất sức, dẫn đến vụ sau năng suất không cao. Ngoài ra, ông lưu ý cây sầu riêng cũng rất “khó tính”, nhạy với thời tiết nên người trồng không thể bỏ qua yếu tố này.
Có những lúc tưởng chừng đã ổn định, chỉ cần một cơn mưa thất thường đổ xuống cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc ra trái. Như đợt vừa rồi, do trời mưa sầu riêng không ra bông bà con xung quanh đây ai cũng lo lắng. Nhưng “trong rủi có may”, nhờ vậy mà sầu riêng ra trễ năng suất cao, bán giá cao hơn các năm trước.
Thời gian qua, bên cạnh việc làm một nông dân giỏi, ông Thức còn là cán bộ khuyến nông nhiệt tình của xã Tân Thới. Có điều kiện đi tham quan học hỏi ở đâu là ông về chia sẻ kinh nghiệm với bà con trong xã. Khu vườn của ông cũng là điểm tham quan, trao đổi kinh nghiệm trồng sầu riêng của nông dân trong vùng.
Theo Thanh Niên