Theo KCNA, phát biểu trước đó tại kỳ họp thứ 5 Hội đồng Nhân dân tối cao khóa 14, tức Quốc hội Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã bày tỏ ý định sẵn sàng nối lại đường dây nóng liên Triều, "như một phần trong nỗ lực hiện thực hóa kỳ vọng và mong muốn của toàn thể dân tộc mong muốn sớm nhất có thể cải thiện quan hệ liên Triều và hòa bình lâu dài sẽ đến với Bán đảo Triều Tiên".
Các cơ quan hữu quan Triều Tiên đã quyết định nối lại toàn bộ đường dây liên lạc giữa hai miền từ 9h00 sáng 4/10 theo đúng ý định của nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young ngày 3/10 khẳng định Seoul sẽ thúc đẩy tổ chức các cuộc thảo luận cấp cao với Bình Nhưỡng trước cuối năm nay.
Trước đó, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã thúc giục Hàn Quốc từ bỏ "tiêu chuẩn kép" và "ảo tưởng" về các hoạt động quân sự tự vệ của Triều Tiên trong khi phát triển vũ khí của riêng mình.
“Chính quyền Hàn Quốc nên nỗ lực tích cực để đưa quan hệ Bắc - Nam đi đúng hướng và giải quyết các nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên để mở ra triển vọng tươi sáng trong tương lai”, hãng KCNA dẫn lời ông Kim.
Căng thẳng liên Triều bùng lên kể từ khi các đường dây nóng bị cắt đứt, với việc Triều Tiên cảnh báo khủng hoảng an ninh và tiến hành phóng một loạt tên lửa mới, bao gồm tên lửa siêu thanh, tên lửa phòng không và tên lửa hành trình "chiến lược".
Trong khi cáo buộc Washington có "chính sách thù địch", phía Bình Nhưỡng cho biết sẵn sàng hàn gắn quan hệ liên Triều và xem xét một hội nghị thượng đỉnh khác nếu chính quyền Seoul giảm tiêu chuẩn kép.
Các nhà phân tích cho rằng phương pháp tiếp cận "cây gậy và củ cà rốt" của Triều Tiên nhằm đảm bảo sự công nhận của quốc tế là một quốc gia có vũ khí hạt nhân và thúc đẩy mối quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc, dựa trên tham vọng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong việc tạo dựng một di sản ngoại giao liên Triều trước khi ông thời hạn kết thúc vào tháng 5 năm sau.