Triều Tiên và Mỹ để ngỏ 'cánh cửa' ngoại giao

0:00 / 0:00
0:00
(Ngày Nay) - Trong khi hàng loạt lời phàn nàn của Triều Tiên về các chính sách của Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối tuần qua có thể làm gia tăng căng thẳng, vẫn có dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng không loại trừ khả năng đối thoại trở lại với chính quyền mới ở Washington.
Triều Tiên và Mỹ để ngỏ 'cánh cửa' ngoại giao

Rất ít nhà quan sát dự đoán các cuộc đàm phán giữa hai bên sẽ sớm được nối lại, hiện cả Mỹ và Triều Tiên đều đang tập trung vào việc kiểm soát dịch bệnh và khó có thể giải quyết nhanh những khúc mắc còn tồn tại.

Nhưng một số nhà phân tích cho rằng bất chấp những lời dọa nạt và chỉ trích, Triều Tiên dường như chưa đóng cửa hoàn toàn đối với chính quyền Biden.

"Có những dấu hiệu cho thấy Washington và Bình Nhưỡng đang trong giai đoạn đầu, thận trọng của một cuộc khiêu vũ ngoại giao", theo báo cáo của 38 North - chương trình theo dõi và phân tích các vấn đề Triều Tiên.

Hôm Chủ nhật, Triều Tiên đã đưa ra một loạt chỉ trích các chính sách và luận điệu của Tổng thống Mỹ Joe Biden về những hành động thù địch giống như thời Chiến tranh Lạnh mà các tổng thống Mỹ trước đó đã áp dụng, đồng thời cho rằng biện pháp đối thoại chỉ là nỗ lực che đậy những chính sách đe dọa.

Tuyên bố được phía Bình Nhưỡng đưa ra sau khi Nhà Trắng đã xem xét lại chính sách với Triều Tiên, trong đó kết luận phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên vẫn là mục tiêu hàng đầu. Nhà Trắng cho biết sẽ thông qua các hoạt động ngoại giao để đạt được mục đích đó nhưng không tìm kiếm "một món hời lớn với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un".

"Tuyên bố của Triều Tiên đến từ các quan chức Bộ Ngoại giao cấp thấp, không gọi tên hay xúc phạm Tổng thống Biden", 38 North chỉ ra. "Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu cả hai bên sử dụng khoảng thời gian ban đầu này để thăm dò và thể hiện quan điểm".

Trước đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tổ chức ba cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Kim Jong-un nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân để đổi lấy các lợi ích kinh tế.

Các cuộc đàm phán đã bị đình trệ kể từ năm 2019, với việc Triều Tiên cho biết nước này sẽ không quan tâm đến các cuộc đàm phán nếu Mỹ không từ bỏ các chính sách thù địch, bao gồm cả các lệnh trừng phạt kinh tế cứng rắn.

Chỉ vài ngày trước khi ông Biden nhậm chức, Chủ tịch Kim tuyên bố Mỹ là "kẻ thù lớn nhất của chúng ta".

Triều Tiên đã tiếp tục tiến hành một loạt các vụ thử tên lửa tầm ngắn và phát triển vũ khí mới, nhưng kể từ năm 2017 vẫn chưa tiếp tục phóng tên lửa tầm xa hoặc thử bom hạt nhân.

Giáo sư John Delury tại Đại học Yonsei của Hàn Quốc cho biết: “Mối lo ngại hiện giờ đó là Triều Tiên có thể làm một hành động khiêu khích tới mức chính quyền Biden không thể bình tĩnh ngồi xuống bàn đàm phán. Nhưng cả hai bên đều tránh chọc giận nhau".

Nhà phân tích Rachel Minyoung Lee của 38 North cho rằng điều đáng chú ý là Triều Tiên đã liên tục không đưa ra các tuyên bố chính thức của mình về chính quyền Biden trên các phương tiện truyền thông.

“Điều này cho thấy Bình Nhưỡng vẫn đang để ngỏ các phương án", bà Lee chỉ ra.

Theo giáo sư Delury, ngay cả khi cả hai bên đều muốn trở lại bàn đàm phán, đại dịch COVID-19 có thể ngăn cản các cuộc tiếp xúc giữa Mỹ và Triều Tiên.

“Tình hình dịch bệnh đã hạn chế các lựa chọn ngoại giao và đặt cả hai bên vào tình thế khó khăn", ông Delury nói.

Theo Reuters
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
Thời tiết chuyển mùa, gia tăng ca bệnh đột quỵ
(Ngày Nay) -  Đắk Lắk đang vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến số ca đột quỵ gia tăng, có nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu và xử trí kịp thời.