Khi Tổng thống Donald Trump xoay xở ứng phó những cuộc khủng hoảng gần đây, ông đã áp dụng các chiến lược từ sự nghiệp kinh doanh đầy biến động của mình, đó là dựa vào các thành viên gia đình và một vài cố vấn tin cẩn, đòi hỏi sự trung thành tuyệt đối từ những người nằm ngoài vòng thân cận, đe dọa kiện các đối thủ và yêu cầu các báo cáo ngắn gọn.
Tuy nhiên, các chiến lược đã phát huy tác dụng tốt trên thương trường dường như lại làm trầm trọng thêm những khó khăn bủa vây Trump.
Gia đình của Trump chưa có ai làm việc cho chính phủ và hầu hết cố vấn thân tín của ông chưa bao giờ giờ làm việc ở Nhà Trắng.
Thái độ chán ghét của Trump đối với những phân tích sâu, dài dòng, làm dấy lên lo ngại rằng ông sẽ không lĩnh hội đầy đủ tài liệu báo cáo phức tạp từ cơ quan tình báo và các nguồn khác, theo cây bút Michael Kranish của Washington Post.
Barbara Res, cựu phó chủ tịch Trump Organization cho biết Trump thường đưa ra một số đề xuất kinh doanh không khả thi nhưng sẽ có phụ tá can ngăn rằng đó không phải là ý tưởng hay. "Tuy nhiên, có vẻ mọi người không đưa ra ý kiến phản biện như vậy tại Nhà Trắng", bà nói.
Quan điểm của Trump về nền chính trị Washington hình thành từ sự ngờ vực sâu sắc về thẩm quyền của chính quyền, xuất phát từ ngày mà Bộ Tư pháp Mỹ kiện ông và cha ông phân biệt chủng tộc vì không cho người Mỹ gốc Phi thuê các căn hộ tại một khu bất động sản của gia đình vào năm 1973.
Câu chuyện về vụ kiện này đánh dấu lần đầu tiên Trump xuất hiện trên trang nhất của tờ New York Times cùng phát ngôn của ông cho rằng cáo buộc này là "lố bịch". Trump đã thề sẽ không bao giờ dàn xếp vụ kiện nhưng cuối cùng vẫn buộc phải làm vậy. Vụ kiện này khiến Trump gia tăng ác cảm với chính quyền.
Với cương vị tổng thống Mỹ, Trump tiếp tục áp dụng chiến lược thách thức tương tự nhưng rồi sau đó phải chịu nhượng bộ. Khi các thẩm phán đình chỉ lệnh cấm nhập cư của ông đối với các công dân và người tị nạn từ 7 nước Hồi giáo, ông đã công kích họ và thề sẽ "hẹn gặp các người ở tòa", như kiểu ứng xử mà ông áp dụng trong suốt sự nghiệp kinh doanh. Tuy nhiên, cuối cùng, ông đã phải từ bỏ lệnh cấm này và đưa ra một lệnh mới nhưng rồi cũng bị đình chỉ.
Đe dọa
Gần đây, các chiến lược kinh doanh của Trump dường như đã khiến ông thất bại trong vụ sa thải Comey. Trump thường sử dụng chiến thuật cảnh báo với người khác rằng ông đã ghi âm các cuộc trò chuyện hay giám sát công việc của họ, rồi dọa kiện hoặc yêu cầu giảm số tiền nợ phải trả cho các nhà thầu.
Bằng cách gợi ý rằng ông đã bí mật ghi âm cuộc trò chuyện tại bữa ăn tối với Comey, Trump dường như hy vọng sẽ ngăn chặn cựu giám đốc FBI nói những điều tiêu cực về ông. Nhà Trắng từ chối xác nhận hay phủ nhận sự tồn tại của các đoạn ghi âm đó.
Các cộng sự của Comey sau đó trích dẫn một bản ghi chép nói rằng Trump từng yêu cầu Comey cam kết trung thành nhưng bị từ chối. Nhà Trắng đã bác bỏ thông tin này.
Không dừng lại ở đó, các cộng sự của Comey còn hé lộ ông đã viết một bản ghi nhớ về việc tổng thống yêu cầu cựu giám đốc FBI dừng cuộc điều tra về cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn. Mặc dù Trump tiếp tục bác bỏ thông tin này, rõ ràng là với đòn "đe dọa" này, Trump đã bị phản đòn khá mạnh.
Quá dựa vào cố vấn pháp lý
Sau khi quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates cảnh báo cố vấn pháp lý Nhà Trắng Donald McGahn rằng Flynn có thể phạm luật vì trao đổi riêng với đại sứ Nga, phải 18 ngày sau, Flynn mới bị sa thải.
Trump nói với đài truyền hình NBC rằng "cố vấn pháp lý Nhà Trắng Don McGahn đã trao đổi với tôi (về chuyện Flynn liên lạc với đại sứ Nga) nhưng khi đó tôi cảm thấy việc này không phải là vấn đề cấp bách".
Một cựu luật sư Nhà Trắng cho rằng McGahn đã không làm việc hiệu quả và không làm rõ với Trump đó thực sự là vấn đề nghiêm trọng. Nhiều người đặt ra nghi vấn về vai trò của McGahn, cũng như việc liệu ông có cảm thấy thoải mái khi hối thúc Trump sa thải Flynn.
McGahn là cháu trai của Patrick "Paddy" McGahn, người từng là luật sư của Trump. Khi còn trong thương thường, Trump từng đối mặt với các vấn đề tài chính nghiêm trọng ở các sòng bài tại thành phố Atlantic và Patrick "Paddy" McGahn đã đóng vai trò chủ chốt để giúp Trump vượt qua khủng hoảng.
John O’Donnell, chủ tịch một trong những sòng bài của Trump, nói với tỷ phú rằng Paddy McGahn đang lấy phí luật sư quá đắt. Tuy nhiên, Trump đã bảo vệ McGahn và giải thích ông ta có kỷ lục cãi thắng 13 vụ kiện và chưa thua vụ nào.
Paddy McGahn là "một trong số ít những người sẵn sàng nói bất cứ điều gì với Trump. Ông ấy là người dàn xếp rất giỏi, chủ động thoát ra khỏi các sự việc rắc rối trước khi chúng xảy ra hoặc trước khi chúng biến thành các vấn đề thực sự", O’Donnel nói.
Một nghị sĩ kì cựu của đảng Cộng hòa cho biết nhiều người lo ngại McGahn, không giống như người bác của mình, quá ngần ngại phản đối Trump, dẫn đến xử lý công việc thiếu hiệu quả.
Cố vấn pháp lý Nhà Trắng Donald McGahn. Ảnh: Boston Globe |
Khó khăn trong truyền đạt thông tin
Việc Trump dựa vào các luật sư là một điểm nổi bật trong sự nghiệp kinh doanh của ông. Các luật sư của Trump đã nộp hàng trăm đơn kiện chống lại các nhà thầu, các đối tác kinh doanh, các phóng viên và cơ quan chính quyền. Ông thường kết hợp đơn kiện với các phát ngôn đả kích để đe dọa những người mà ông kiện.
Trên cương vị tổng thống Mỹ, Trump tiếp tục phong cách đả kích thông qua những dòng tweet trên mạng xã hội nhưng cách hành xử này gây nhiều lo ngại trong nội bộ đảng Cộng hòa vì Trump thường đưa ra các tuyên bố châm ngòi tranh cãi, thậm chí phát biểu trái ngược với người phát ngôn.
Theo cây bút Michael Kranish, Trump gặp khó khăn trong việc thoát ra khỏi cách trao đổi của một lãnh đạo doanh nghiệp. Khi còn là doanh nhân, ông thường phát biểu vì lợi ích bản thân. Ông trả lời vô số cuộc phỏng vấn thay vì để một quan chức quan hệ công chúng trong công ty nói thay ông.
Trong khi đó, với tư cách tổng thống Mỹ, Trump phải nhường lại phần lớn vai trò đó cho văn phòng truyền thông của Nhà Trắng, nơi đôi khi cung cấp các thông tin không đúng ý ông hoặc không chính xác.
Trump ghi nhận những sai sót này khi viết trên Twitter rằng: "Tôi làm việc rất nhiều và có rất nhiều sử việc xảy ra nên những người đại diện của tôi khó có thể phát biểu với sự chính xác hoàn hảo". Trump gợi ý rằng ông có thể hủy các cuộc họp báo và thay vào đó, chỉ đưa ra các tuyên bố bằng văn bản.
Tuy nhiên, một trong những trợ lý cấp cao nói rằng hãy nhìn vào lịch sử xây dựng sự nghiệp của Trump để hiểu khả năng xoay xở trong hỗn loạn của ông. Sau khi Trump nộp 6 đơn phá sản doanh nghiệp và gánh khoản nợ 900 triệu USD, ông đã tút tát lại hình ảnh và thay đổi phương thức kinh doanh. Ông chuyển từ việc đầu tư đầy rủi ro sang kiếm lợi nhuận bằng cách bán thương hiệu và hình ảnh.
Và sau đó, ông đã viết một cuốn sách có nhan đề: "Nghệ thuật lội ngược dòng".