Văn tự cổ "Jikji" có tên đầy đủ là "Jikji Simche Yojeol", sẽ được trưng bày như một phần của cuộc triển lãm về lịch sử công nghệ in ấn, được tổ chức từ ngày 12/4 đến ngày 16/7 tại Paris (Pháp).
Đây là lần đầu tiên cuốn sách được công bố trước công chúng, 50 năm sau buổi triển lãm “Bảo vật phương Đông” cũng diễn ra tại Thư viện Quốc gia Pháp. Cuốn sách viết về những lời dạy của các nhà sư được in ấn tại chùa Heungdeok, hiện tọa lạc tại thành phố Cheongju (Hàn Quốc) dưới thời Vương quốc Goryeo vào năm 1377. Nghiên cứu chỉ ra rằng "Jikji" được in vào khoảng 78 năm trước khi cuốn Kinh thánh Gutenberg ra đời.
"Jikji" lần đầu tiên được trưng bày trước công chúng tại Triển lãm Paris 1900 ở Pháp, để quảng bá di sản văn hóa Hàn Quốc. Văn tự cổ đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới khi nó được trưng bày tại một cuộc triển lãm do Thư viện Quốc gia Pháp tổ chức để đánh dấu “Năm Sách Quốc tế” (1972).
Văn tự Phật giáo cổ của Hàn Quốc dự kiến sẽ nhận được nhiều sự quan tâm nhiều cuộc triển lãm sắp tới vì sau nửa thế kỷ nó mới xuất hiện trước công chúng một lần nữa. Một số bảo tàng đã thúc đẩy kế hoạch cho thuê và trưng bày cuốn sách nhưng đều bị từ chối.
"Jikji" bao gồm hai tập nhưng hiện chỉ có một bản sao của tập thứ hai được lưu giữ trong thư viện Pháp.
Cuốn sách đã được Collin de Plancy (1853-1922), Bộ trưởng Pháp đầu tiên tại Hàn Quốc mua lại vào khoảng cuối những năm 1880, khi ông làm việc tại đây. Cuốn sách sau đó đã đến tay nhà sưu tập người Pháp Henri Vever khi nó được đem ra bán đấu giá tại Paris năm 1911 và được tặng cho Thư viện Quốc gia Pháp vào năm 1952.
Năm 2001, UNESCO đã công nhận "Jikji" là văn tự cổ nhất thế giới được in bằng kim loại và được được đưa vào Chương trình “Ký ức Thế giới''.