"Mỹ thường xuyên điều tàu và máy bay tới Biển Đông để phô trương lực lượng, điều này không có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực", ông Wang Wenbin, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ. “Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh quốc gia, đồng thời hợp tác với các nước trong khu vực để duy trì vững chắc hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Hải quân Mỹ cho biết các tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz cùng các tàu tuần dương và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường đi kèm đã cho thấy khả năng duy trì hòa bình và cam kết của nước Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
“Các tàu và máy bay của hai đội đã phối hợp hoạt động trong một khu vực có nhiều người qua lại để chứng minh khả năng hoạt động của Hải quân Mỹ trong những môi trường đầy thử thách”, Chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy Nhóm tấn công tàu sân bay số 9, cho biết.
Trước đó 7 tháng, Hải quân Mỹ cũng đã điều động 2 tàu sân bay tới Biển Đông, khiến chính quyền Bắc Kinh phải có những hành động đáp trả quyết liệt.
Kể từ khi nhậm chức vào ngày 20/1, Tổng thống Joe Biden đã tái khẳng định cam kết của mình với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khu vực, đặc biệt đưa ra lời cam đoan về nghĩa vụ của mình đối với Philippines và Nhật Bản, những quốc gia có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc.
Trong bài phát biểu về chính sách đối ngoại đầu tiên của mình, Tổng thống Joe Biden đã mô tả Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nặng ký nhất” với Mỹ và thề sẽ đối đầu với Bắc Kinh trên nhiều mặt trận, bao gồm nhân quyền, sở hữu trí tuệ và chính sách kinh tế.
Tàu USS John S. McCain, một tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, hôm thứ Năm tuần trước đã đi qua Eo biển Đài Loan, một động thái mà phía Trung Quốc cho là khiêu khích.
Cuối tháng trước, các máy bay chiến đấu của Mỹ và Trung Quốc đã bay gần nhau và một cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc được công bố khi một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tiến vào Biển Đông.