Giáo sư đại học về hưu Michael Heng nhận định với tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) rằng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tổ chức ngày 12/6 tại Singapore đã góp phần giảm thiểu nguy cơ xung đột vũ trang trên Bán đảo Triều Tiên.
Một diễn biến gây chú ý là sau Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, Hàn Quốc và Mỹ tuyên bố ngưng cuộc tập trận chung dự kiến tổ chức vào tháng 8 tới. Triều Tiên từ lâu luôn coi các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ là “động thái khiêu khích”.
Ngoài ra, Tổng thống Trump sau khi gặp gỡ trực tiếp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ngỏ ý rằng ông muốn rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc.
Thông tin này đã “đánh động” đến Nhật Bản. Trong trường hợp xảy ra điều bất trắc, không có sự hỗ trợ trực tiếp của quân đội Mỹ trên lãnh thổ, Nhật Bản sẽ hành động như thế nào? Câu trả lời là Nhật Bản phải dựa vào “nội lực” quân sự, tự tạo ra rào chắn hạt nhân, phát triển quốc phòng. Trong khi đó, chắc chắn Trung Quốc sẽ không thấy làm vui trước việc Nhật Bản tăng cường khả năng quân sự, vượt ra ngoài phạm vi đơn thuần của lực lượng phòng vệ mà Tokyo đã duy trì từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Về phần Hàn Quốc, giáo sư về hưu Michael Heng cho rằng nếu không có quân đội Mỹ bảo vệ, Seoul sẽ đối mặt với viễn cảnh thống nhất với Bình Nhưỡng. Và trong trường hợp không còn biên giới giữa Hàn Quốc cùng Triều Tiên thì láng giềng Trung Quốc sẽ trở thành đối tượng đối mặt với rủi ro bởi không có gì đảm bảo rằng chính quyền của Bán đảo Triều Tiên thống nhất sẽ có chủ trương thân thiết với Bắc Kinh.
Trước đây, vào năm 2013, nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra đã ra lệnh tử hình người chú Jang Song-thaek, nhân vật được cho thân thiết với Trung Quốc. Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), từ đây, mối quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã có phần suy giảm. Trong khi đó, chính quyền của Hàn Quốc từ lâu được biết đến là đồng minh thân thiết của Mỹ trong khu vực.
Theo Báo Tin tức