Giàn khoan Hải Dương-981 và tàu Trung Quốc hoạt động phi pháp trong vùng biển Việt Nam. |
“Như thông tin công bố từ các công ty Trung Quốc có liên quan, hoạt động của giàn khoan HYSY 981 (Hải Dương-981), bắt đầu từ ngày 2.5 tại vùng biển ngoài khơi quần đảo Tây Sa (tên gọi ngụy xưng của Trung Quốc đối với Hoàng Sa) đã hoàn tất một cách thành công vào hôm 15/7 theo đúng lịch trình”, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi phát biểu.
Ông Hồng Lỗi còn lớn lối tuyên bố: “Trung Quốc cương quyết phản đối hành động cản trở phi pháp chống lại hoạt động của công ty Trung Quốc và đã tiến hành các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho hoạt động khoan dầu”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Ian Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cho rằng việc Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam sớm hơn dự kiến một tháng rất có nhiều khả năng do cả 2 yếu tố: thời tiết và chính trị.
“Biển động do cơn bão Rammasun là một lý do. Nhưng quan trọng hơn, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu của mình: Bắc Kinh đã gửi thông điệp đến Việt Nam và các nước tranh chấp khác trên biển Đông là mình quyết bảo lưu các tuyên bố chủ quyền theo yêu sách đường 9 đoạn, bao gồm cái gọi là “quyền lịch sử” đối với các nguồn tài nguyên hàng hải như dầu khí và cá trong phạm vi đường 9 đoạn đó”, ông Storey nói với PV.
Trung Quốc cũng muốn cho các nước khác thấy mình sẽ hành động quyết liệt đối với ai dám thách thức tuyên bố chủ quyền từ phía họ, theo chuyên gia này.
“Tình hình căng thẳng đã tạm lắng, và may mắn là không dẫn đến cuộc xung đột quân sự nào giữa hai phía. Nhưng các giàn khoan sẽ trở lại, một là trong năm nay hoặc trong năm tới. Khi đó, Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối phó với một Trung Quốc ngày càng mạnh hơn, tự tin hơn và cũng kiên quyết hơn”, ông Storey nhận định.