Tính đến 20 giờ ngày 4/3, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (TQ) ghi nhận toàn thế giới có 3.219 người tử vong do dịch COVID-19, 94.208 ca nhiễm. Như vậy, so với cùng giờ ngày 3-3, số ca lây nhiễm tăng 1.939 người, số ca tử vong tăng 88 người.
Đến nay đã có 238 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ TQ đại lục. Gồm có 92 ca ở Iran, 33 ca ở Hàn Quốc, 12 ca ở Nhật Bản (tính cả du thuyền Diamond Princess), hai ca ở đặc khu Hong Kong, 79 ca ở Ý, một ca ở Đài Loan, bốn ca ở Pháp, một ca ở Philippines. Đồng thời, có chín ca ở Mỹ, một ca ở Thái Lan, một ca ở Úc, một ca ở San Marino, một ca ở Tây Ban Nha và một ca ở Iraq.
Các cơ quan y tế TQ cũng cho biết có 51.187 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với COVID-19, tăng 2.748 so với ngày 3/3.
Nguy cơ tràn dịch từ ngoài vào Trung Quốc
Được biết dịch COVID-19 bùng phát ở TP Vũ Hán của TQ từ cuối năm ngoái. Đến nay tình hình dịch bệnh tại đây có dấu hiệu được kiểm soát khi số ca nhiễm mới và số ca tử vong đều giảm mạnh. Tuy nhiên, hiện tại cường quốc châu Á này lại phải ra sức đề phòng nguy cơ các ca nhiễm “nhập khẩu” hay các ca nhiễm từ bên ngoài vào TQ trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp tại nhiều nước như Hàn Quốc, Ý, Iran và Nhật Bản, theo South China Morning Post.
Trong ngày 4/3, TQ ghi nhận 131 ca nhiễm mới, trong số đó bảy ca là công dân TQ trở về từ vùng dịch Lombardy ở Ý. Tuần trước, sáu người trong số đó đã bắt chuyến bay từ Milan đến Thượng Hải, trong khi người còn lại bay từ Đức đến Thượng Hải. Họ được chẩn đoán nhiễm COVID-19 hôm 3/3 sau khi đến Thanh Điền. Không ai trong số họ từng đến Hồ Bắc hay tâm dịch Vũ Hán gần đây.
Hai ngày trước đó, 94 hành khách trên chuyến bay OZ349 của hãng hàng không Asiana Airlines từ Seoul (Hàn Quốc) đến Nam Kinh (TQ) cũng bị cách ly sau khi ba công dân TQ trên chuyến bay có triệu chứng sốt. Cả ba người này đều chưa từng đến Vũ Hán. Những người này sau đó đã được đưa đến bệnh viện ngay lập tức trong khi 94 hành khách ngồi gần họ bị cách ly tại một khách sạn.
Hãng tin Reuters ngày 4/3 dẫn tin truyền thông địa phương cho biết tỉnh Quảng Đông đã bắt đầu áp dụng chính sách yêu cầu những người nhập cảnh từ các quốc gia đang bùng phát nghiêm trọng dịch COVID-19 sẽ phải trải qua thời gian cách ly 14 ngày.
Một nhóm nhân viên y tế khử trùng một tuyến phố ở Vũ Hán. Ảnh chụp ngày 27/2 - Nguồn: SCMP |
Chính quyền Thượng Hải cũng yêu cầu mọi người, bất kể quốc tịch nào, cũng phải cách ly 14 ngày nếu đến từ hoặc đi qua quốc gia đang có diễn biến dịch COVID-19 nghiêm trọng.
TP Đan Đông giáp biên giới với Triều Tiên cũng từng thông báo sẽ kiểm tra toàn bộ khách đến TP này từ sau ngày 12/2. Những người đến Đan Đông từ sau ngày 28/2 sẽ phải xét nghiệm tại tất cả khách sạn được chính quyền chỉ định để có thể cách ly nếu bị nhiễm COVID-19.
“Chúng tôi đang cố gắng tránh nguồn lây nhiễm virus” - chính quyền thị trấn Thanh Điền, Lệ Thủy thuộc tỉnh Chiết Giang của TQ nêu rõ. Thông cáo của chính quyền Thanh Điền cũng nói rằng việc đi lại khiến tình trạng lây chéo dễ xảy ra nhất, vì vậy ở yên trong nhà là cách tốt nhất để tránh lây nhiễm. “Vì sức khỏe và an toàn của gia đình bạn, hãy tăng cường các biện pháp phòng ngừa, thận trọng quyết định kế hoạch di chuyển và hạn chế di chuyển” - thông cáo khuyến cáo.
Phát hiện COVID-19 có hai loại
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí National Science Review ngày 3/3, một nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Bắc Kinh đã phân tích 103 bộ gen của COVID-19 và xác định đột biến tại 149 vị trí trên các chủng. Kết quả cho thấy COVID-19 đã tiến hóa thành hai loại chính là L và S với tỉ lệ lây nhiễm và phân bố địa lý khác nhau.
Họ phát hiện ra rằng loại L phổ biến hơn loại S, có nghĩa là nó dễ lây nhiễm và mạnh hơn. Đáng chú ý, loại L đã phát triển từ loại S, đồng thời loại L đã từng lan rộng hơn nhiều lần so với loại S tại thời điểm trước ngày 7/1 tại Vũ Hán. Nghiên cứu ban đầu tại Vũ Hán cho thấy loại L mạnh hơn chiếm khoảng 70% các chủng được phân tích.
Được biết các hành động phòng ngừa, đối phó dịch bệnh của con người ngay sau khi phát hiện chủng virus Corona mới vào cuối tháng 12/2019 có thể đã làm thay đổi số lượng của từng loại. Bản nghiên cứu cho rằng tất cả biện pháp kiểm dịch quyết liệt của chính quyền trung ương và địa phương TQ bao gồm cả phong tỏa các TP có khả năng đã hạn chế đáng kể sự lây lan của loại L.
Nhóm nhà khoa học trên cho biết vẫn cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ hơn về sự tiến hóa và lây lan của COVID-19. Dù vậy, những phát hiện trên cũng cho thấy tính cấp thiết của việc tiến hành thêm các nghiên cứu toàn diện, kết hợp dữ liệu về gen, dữ liệu dịch tễ học và các triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Ông Trump góp tiền lương hỗ trợ chống dịch COVID-19 ở Mỹ
Đài CNBC ngày 4/3 dẫn tuyên bố của Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham cho biết Tổng thống Donald Trump đã góp 100.000 USD tiền lương cho Bộ Y tế Mỹ. “Tổng thống Trump đã quyên góp tiền lương của ba tháng cuối năm 2019 cho Bộ Y tế để hỗ trợ các công tác đang được triển khai nhằm kiểm soát COVID-19” - bà Grisham chia sẻ.
Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Trump quyên góp tiền lương cho một cơ quan nhằm ứng phó với một vấn đề khẩn cấp. Từ khi nhậm chức vào năm 2017, ông Trump hằng năm vẫn chỉ đạo chuyển 400.000 USD tiền lương của ông cho các cơ quan khác nhau theo mỗi ba tháng.
Tính đến tối 4/3, Mỹ ghi nhận 128 ca lây nhiễm COVID-19 với chín trường hợp tử vong.