Tài liệu này được coi là một danh sách chính thức các loài động vật được phê duyệt được giết mổ, sau lệnh cấm ăn thịt động vật hoang dã gần đây của Trung Quốc.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 bắt nguồn từ một khu chợ hải sản ở trung tâm thành phố Vũ Hán, chính phủ Trung Quốc hồi tháng 2 đã cấm tiêu thụ động vật hoang dã trên cạn làm thực phẩm, vì lý do lo ngại về sức khỏe cộng đồng.
Trước khi bản danh sách được phát hành, đã nổ ra tranh cãi giữa các nhà chăn nuôi và bảo tồn động vật trong cuộc tranh luận sôi nổi về việc nên đưa động vật nào vào danh mục.
Đề xuất mới nhất bao gồm 18 loại gia súc và gia cầm truyền thống (lợn, bò, trâu, bò yak, cừu, dê, ngựa, lừa, lạc đà, thỏ, gà, vịt, ngỗng, gà tây, chim bồ câu và chim cút) cũng như 13 loại gia súc và gia cầm đặc biệt (hươu, tuần lộc, lạc đà alpaca, gà guinea, chim trĩ, chim đa đa, đà điểu). Bốn động vật thuộc nhóm sau - chồn, lửng chó và hai loài cáo - chỉ có thể được nhân giống cho các mục đích thương mại khác hơn là thức ăn.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, trong khi các loài động vật đặc biệt có lịch sử lâu đời được nuôi nhốt, quần thể hoang dã sẽ thuộc sự quản lý của Cục Quản lý Lâm nghiệp và Đồng cỏ Quốc gia, do đó sẽ bị cấm tiêu thụ làm thực phẩm.
Đề xuất của Bộ Nông nghiệp nói rõ rằng chó là động vật đồng hành của con người, do đó không nên được đặt trong nhóm chăn nuôi. Trong những năm qua, thị trường thịt chó của Trung Quốc đã thu hút sự chỉ trích nặng nề từ các nhà hoạt động bảo vệ động vật.
"Việc chó không còn được liệt kê cùng với gia súc và gia cầm truyền thống là tiến bộ xã hội lớn - điều đó có nghĩa là việc tiêu thụ thịt chó sẽ mất tính hợp pháp tương lai", theo Sun Quanhui, cố vấn khoa học cấp cao của World Animal Protection, một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế chuyên bảo vệ động vật.
Đầu tháng này, thành phố Thâm Quyến đã cấm ăn thịt chó và mèo, những ai vi phạm phải đối mặt với hình phạt lên tới 10 lần giá trị của con vật được tiêu thụ.
Trong khi Thâm Quyến là thành phố đầu tiên ở Trung Quốc đưa ra lệnh cấm như vậy, thì Sun tin rằng đây mới chỉ là khởi đầu. "Sau Thâm Quyến, chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều tỉnh và thành phố xếp việc tiêu thụ chó mèo vào hành vi vi phạm pháp luật", Sun nói.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc sẽ lấy ý kiến người dân về đề xuất mới nhất này trong tháng tới.