Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã bày tỏ sự thất vọng và cho biết ông đã kêu gọi Trung Quốc cho phép nhóm chuyên gia được nhập cảnh vào nước này. “Tôi rất thất vọng với tin tức này, vì 2 thành viên đã bắt đầu lên đường, còn những người khác thì bắt buộc phải hủy bỏ kế hoạch".
WHO đã cố gắng cử một nhóm các chuyên gia toàn cầu từ một số quốc gia tới Vũ Hán, kế hoạch này đã được thảo luận với các quan chức Bắc Kinh kể từ tháng 7 năm ngoái.
Nhóm chuyên gia sẽ tập trung vào các ca nhiễm đầu tiên tại Vũ Hán và tìm hiểu cơ chế lây từ động vật sang người của virus SARS-CoV-2.
Tiến sĩ Mike Ryan thuộc WHO cho biết nhóm chuyên gia đã làm việc rất chặt chẽ với các đồng nghiệp Trung Quốc để lên kế hoạch cho chuyến đi.
"Nhóm chúng tôi đã ấn định sẽ làm việc từ thứ Ba tuần này. Tuy nhiên chính phủ Trung Quốc chưa cấp phép thị thực cho các thành viên trong đoàn", ông Ryan nói. “Điều này thật đáng thất vọng. Sự thất vọng đó đã được Tiến sĩ Tedros thể hiện rất rõ ràng với các đối tác của chúng tôi ở Trung Quốc".
Ilona Kickbusch, giám đốc sáng lập và chủ tịch của Trung tâm Y tế Toàn cầu ở Geneva, cho biết vấn đề chính trị đã cản trở các quốc gia hợp tác với nhau để đánh bại đại dịch COVID-19 và những tư tưởng thù địch có thể cản trở nỗ lực của khoa học nhằm tìm ra nguyên nhân bùng phát đại dịch.
“Tôi nghĩ sẽ vô cùng khó khăn để tìm ra nguồn gốc của virus, bởi vì thời gian đã trôi qua rất nhiều", bà Kickbusch nói.
Bà Kickbusch chỉ ra rằng thế giới đã hợp tác với nhau để diệt trừ bệnh đậu mùa ở đỉnh cao của thời kỳ Chiến tranh lạnh. Ngay cả khi đại dịch SARS xuất hiện ở Trung Quốc và gây trong giai đoạn 2002-2003, phản ứng toàn cầu vẫn là chìa khóa để giải quyết đại dịch.
Khi đó, Trung Quốc thừa nhận họ đã mắc sai lầm, tổ chức lại Bộ Y tế và thành lập Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh.
“SARS thực sự đã khiến Trung Quốc hiểu rằng họ cần gắn bó nhiều hơn vào hệ thống toàn cầu”, bà Kickbusch nói. "Đó là một thời kỳ cởi mở. Nhưng hiện tại tất cả các bên đều đang cố gắng khép mình lại".