Theo một báo cáo được công bố trong tuần này bởi Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc (bắt đầu vào năm 2021), sự trỗi dậy của robot sẽ không dẫn đến tình trạng thất nghiệp "nghiêm trọng" đối với người lao động nước này.
Báo cáo đăng trên tờ Nhân Dân nhật báo cho rằng những người lao động có tay nghề thấp sẽ không rơi vào cảnh thất nghiệp do sự xuất hiện của robot mà thay vào đó sẽ được chuyển sang các công việc khác.
Được thúc đẩy để trở thành một trong những cường quốc sản xuất lớn nhất thế giới vào năm 2020 trong khi phải đối mặt với áp lực của dân số già, Trung Quốc đã phát triển và ứng dụng robot trong các ngành công nghiệp khác nhau.
Các công ty thương mại điện tử bao gồm Alibaba và sàn thương mại trực tuyến JD.com đã tự động hóa một số kho hàng của mình và triển khai dịch vụ robot giao hàng.
Trong khi đó, nhiều nhà hàng và khách sạn ở Trung Quốc cũng đã áp dụng công nghệ giao đồ ăn bằng máy móc cho khách hàng làm việc tại văn phòng. Một số thành phố cũng bắt đầu sử dụng robot cảnh sát để tuần tra trên đường phố, chụp ảnh các tài xế vi phạm luật giao thông.
Robot công nghiệp giúp gia tăng sức mạnh sản xuất cũng được sử dụng rộng rãi. Trung Quốc đã sử dụng 154.032 robot công nghiệp vào năm 2018, theo số liệu của Liên đoàn Robot quốc tế (IFR), con số này lớn hơn nhiều so với lượng robot được lắp đặt ở châu Âu và châu Mỹ cộng lại.
Nhưng vì lực lượng lao động quá khổ, Trung Quốc vẫn tụt hậu về mật độ robot (số lượng robot công nghiệp được triển khai trên 10.000 công nhân). Năm 2019, mật độ của Trung Quốc là 97, bị bỏ xa bởi Mỹ với 200 và Hàn Quốc, 710, theo IFR. Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng mật độ robot lên 150 vào năm 2020.
Mặc cho những dự đoán về tình trạng thất nghiệp, số liệu từ một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm ngoái bởi công ty tiếp thị kỹ thuật số Dentsu Aegis Network của Anh cho thấy 65% số người Trung Quốc trả lời rằng AI và robot sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm hơn cho họ.
Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Foxconn - đối tác sản xuất chính của Apple, đã cắt giảm 60.000 việc làm của một nhà máy ở thành phố Côn Sơn vào năm 2016 nhằm thay thế bằng công nghệ robot. Thành phốĐông Quan, một trong những trung tâm sản xuất của Trung Quốc, đã cắt giảm 280.000 lao động phổ thông và lắp đặt 91.000 robot trong 5 năm qua.
Báo cáo mới của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cũng cho biết, trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc (kết thúc năm 2020), robot và các ứng dụng AI khác sẽ tước đi khoảng 8-10 triệu việc làm sản xuất từ lao động nhập cư, trung bình 1,6-2 triệu/năm.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn tích cực về triển vọng dài hạn. Ước tính của các nhà kinh tế về tỷ lệ phần trăm công việc được thay thế bởi robot thay đổi tùy theo phương pháp của họ, nhưng đến năm 2037 AI và các công nghệ liên quan có thể tạo thêm 12% (tương đương 93 triệu) việc làm.
Theo công ty kiểm toán PwC, AI và các công nghệ liên quan có thể thay thế tới 26% công việc hiện tại ở Trung Quốc trong hai thập kỷ tới, nhưng hiệu ứng thu nhập có thể tạo thêm 38% việc làm. Việc áp dụng công nghệ có thể làm giảm giá sản phẩm và các công ty có thể cần nhiều công nhân hơn để giải quyết nhu cầu.
Nhưng ngay cả những dự đoán tích cực cũng chỉ ra một vấn đề có thể rõ ràng về tình trạng bất bình đẳng. Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc đề nghị đánh thuế đối với việc sử dụng robot để tài trợ cho các công nhân có trình độ bị mất việc làm bởi tự động hóa. Ý tưởng này hoàn toàn được đồng thuận với tỷ phú Mỹ Bill Gates và đã được áp dụng tại Hàn Quốc.