Trung Quốc tung đòn trừng phạt Triều Tiên

(Ngày Nay) - Trung Quốc mới đây đã tuyên bố rằng họ sẽ ngừng nhập khẩu than đá của CHDCND Triều Tiên cho đến hết năm 2017, trong động thái được cho là đòn trừng phạt đối với Bình Nhưỡng trong khi Bắc Kinh dường như đang mất kiên nhẫn với họ.

 

Than đá là lĩnh vực xuất khẩu thu về nguồn ngoại tệ nhiều nhất cho Triều Tiên. BBC
Than đá là lĩnh vực xuất khẩu thu về nguồn ngoại tệ nhiều nhất cho Triều Tiên. BBC

Một mặt khác, quyết định này có thể được xem như một hành động nhằm trì hoãn thực thi các lệnh trừng phạt mà LHQ đưa ra đối với Triều Tiên của Trung Quốc - một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an. Hội đồng Bảo an LHQ đã thông qua Nghị quyết 2321 vào tháng 11 năm ngoái, trong đó nhằm trực tiếp vào việc hạn chế mặt hàng than đá xuất khẩu của Triều Tiên tới 62%.

Thời điểm mà Trung Quốc đưa ra tuyên bố trên trùng với vụ sát hại ông Kim Jong-nam - anh trai cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - mới xảy ra tại Malaysia. Trước đó, ông Kim Jong-nam được cho là đang sống dưới sự bảo vệ của Trung Quốc tại Macau.

Ngoài ra, quyết định của chính quyền Bắc Kinh cũng liên quan tới việc Mỹ và Hàn Quốc nhất trí về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc trong năm nay.

Dù Hàn Quốc và Mỹ liên tiếp nhấn mạnh rằng THAAD chỉ nhằm mục đích phòng thủ, nhưng Bắc Kinh vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng thực sự của hệ thống tên lửa này, trong đó có thể kiểm soát cả đường bay của tên lửa Trung Quốc.

Cuối cùng, xét rộng hơn, hướng tiếp cận không mấy thân thiện của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đối với Trung Quốc có thể đã khiến Bắc Kinh đánh giá lại giá trị chiến lược của mối quan hệ với Triều Tiên. Giới phân tích cho rằng, quyết định ngừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên có thể được coi như món quà đáp trả lại việc ông Trump mới đây tuyên bố sẽ tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc”.

Đòn trừng phạt mạnh cỡ nào?

Dù lý do đằng sau quyết định của Trung Quốc là gì đi chăng nữa, thì câu hỏi quan trọng hơn đặt ra lại là tầm ảnh hưởng của quyết định trên.

Từ lâu, các cơ quan hải quan ở khu vực biên giới Trung Quốc-Triều Tiên đã được xem là lỏng lẻo và thiếu nhân lực, điều này khiến cho nạn buôn lậu lan tràn khắp vùng lân cận. Các lệnh trừng phạt nhằm vào than xuất khẩu sẽ chỉ khiến cho các hoạt động buôn bán ngầm tại đây gia tăng.

Dù xuất khẩu than đá được xem là lĩnh vực xuất khẩu mạnh nhất của Triều Tiên, nhưng đà tăng trưởng kinh tế chậm của Trung Quốc từ năm 2014 đến nay đã dẫn tới lượng cầu than đá giảm. Thay vào đó, trao đổi kinh tế giữa hai nước tăng dần ở các lĩnh vực khác.

Ví dụ, ngày càng có nhiều các công ty may mặc Trung Quốc chuyển sang thuê các công ty Triều Tiên để sản xuất, do lương cơ bản ở Trung Quốc gia tăng trong khi giá thuê nhân công ở Triều Tiên lại rẻ. Trong những năm gần đây, rất nhiều nhân công Triều Tiên đã đổ tới các thành phố cửa khẩu của Trung Quốc để kiếm việc làm.

Chính vì những lý do trên, việc cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên đương nhiên sẽ gây ảnh hưởng tới nguồn thu ngoại tệ của nước này, nhưng lại hoàn toàn có thể bù khuyết nhờ vào các lĩnh vực hợp tác kinh tế khác với Trung Quốc.

Khó kiềm chế Triều Tiên

Xét về mặt quy mô của lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Triều Tiên mà chính quyền Bắc Kinh đưa ra mới đây, nó hoàn toàn có thể khiến cho người ta hy vọng rằng sẽ kiềm chế được phần nào chương trình hạt nhân mà Bình Nhưỡng đang theo đuổi. Tuy nhiên điều đó khó xảy ra.

Đói với một đất nước bị cô lập thì rất khó để họ có thể từ bỏ việc đầu tư mạnh tay vào các chương trình phát triển tên lửa, hạt nhân thậm chí ngay cả khi nguồn thu ngoại tệ có trở nên hạn hẹp.

Thêm vào đó, các lệnh trừng phạt mà cộng đồng quốc tế áp đặt với Triều Tiên từ trước tới nay gần như không hữu hiệu. Nhiều chuyên gia nhận định rằng Triều Tiên chỉ chịu nhượng bộ khi bên trong đất nước có sự chia rẽ trong nội bộ các hàng ngũ lãnh đạo cấp cao hay có phong trào phản đối. Nhưng cả hai trường hợp này cực hiếm khi xảy ra.

Về phần mình, Trung Quốc cũng đang ở vị trí tiến thoái lưỡng nan. Họ từng nhiều lần thể hiện rõ quan điểm rằng Triều Tiên không thể bị thuyết phục để từ bỏ chương trình hạt nhân bằng cách trừng phạt, nhưng cũng đang chịu sức ép ghê gớm phải thực thi lệnh trừng phạt quốc tế đối với Bình Nhưỡng.

Và dù quan điểm này có đúng hay không thì quyết định trừng phạt nhằm vào ngành xuất khẩu than đá của Triều Tiên cũng bị coi là chỉ mang tính hình thức chứ thực tế chưa đủ để kiềm chế hay gây sức ép cho nước này.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Phó Tổng thống Kamala Harris đang chạy đua với thời gian. Ảnh: ABC.
Cuộc đua sít sao trước thềm ngày bầu cử Mỹ
(Ngày Nay) - Trước thềm ngày bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 (5/11), hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đang chạy đua với thời gian nhằm kêu gọi sự ủng hộ của các nhóm cử tri chưa đưa ra quyết định, trong bối cảnh cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn rất sít sao.
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
Khai thác chất liệu truyền thống dân tộc: Xu hướng sáng tác của nghệ thuật múa đương đại
(Ngày Nay) - Cùng với các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa Việt Nam đang tạo dấu ấn với công chúng trong việc khai thác những chất liệu truyền thống vào các tác phẩm, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mang hơi thở cuộc sống đương đại vào các tác phẩm, tạo nên bản sắc của múa Việt trước thế giới.