Sau hàng loạt vụ xả súng cách đây 3 năm, FBI mới thừa nhận rằng các phần tử cực đoan theo đường lối bảo thủ có nguy cơ gây ra các vụ khủng bố trong lòng nước Mỹ cao hơn so với các tổ chức khủng bố Hồi giáo.
Tuy nhiên, cơ quan thực thi pháp luật đã không được chuẩn bị khi một loạt các nhóm ủng hộ Trump, những người ủng hộ nhóm QAnon và theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, đã xông vào trụ sở Quốc hội Mỹ vào ngày 6/1. Vụ việc đã khiến 5 người thiệt mạng và máu đã đổ trong Điện Capitol, nơi được coi là "thành trì của nền dân chủ Mỹ".
Sau cuộc tấn công, các thành viên Quốc hội mới tá hỏa nhận ra những cử tri bảo thủ mới thực sự là "những kẻ khủng bố và nổi loạn".
Ông Ali Soufan, cựu đặc vụ FBI, cho biết nhiều nhà lập pháp từng coi nhóm người này là những cử tri trung thành trong nhiều năm, khiến giới chính trị gia bất ngờ khi các nhóm cực hữu có thể hành động tương tự như các phần tử thánh chiến Hồi giáo.
“Thật không may, chúng ta không có ý chí chính trị để chủ động truy lùng những cá nhân này", ông Soufan chỉ ra. "Chúng ta chỉ biết ngồi đợi họ ra tay trước rồi mới phản kháng".
Thùng thuốc súng trong lòng nước Mỹ
Hiện các nhà chức trách Mỹ không có con số chính xác về quy mô của các phe nhóm cực hữu, một số bao gồm các nhà hoạt động hòa bình, một số người theo chủ nghĩa âm mưu và một số còn theo chủ nghĩa tân Phát xít bạo lực.
Một cuộc thăm dò của Đại học Quinnipiac (bang Connecticut) được công bố hôm thứ Hai cho biết 10% cử tri được khảo sát tin rằng những người xông vào Quốc hội đang "bảo vệ nền dân chủ."
Điều này làm cho các cơ quan điều tra như FBI khó nắm bắt được các mối hiểm họa tiềm tàng hơn so với việc theo dõi các động thái của những phần tử Hồi giáo cực đoan, vốn chiếm số ít trong dân số Mỹ.
"Điều gì xảy ra nếu bạn muốn tìm kiếm những kẻ khủng bố có khuynh hướng nổi dậy trong số 30% dân số?", chuyên gia Matthew Feldman thuộc Trung tâm Phân tích Quyền Cấp tiến ở Anh cho biết. "Ngay cả khi thu hẹp diện điều tra nhắm vào các thanh niên da trắng, cũng đã có tới 20 triệu người".
Chuyên gia về chủ nghĩa cực đoan William Braniff cho biết chính phủ vẫn phân bổ nguồn lực để theo dõi và điều tra mối đe dọa cực đoan trong nước.
"Nhưng hoạt động này vẫn khá vô dụng bởi các cuộc tấn công của những kẻ cực đoan trong nước có tỷ lệ thành công là 60%", Braniff, giám đốc của Hiệp hội Quốc gia Nghiên cứu về Khủng bố và Ứng phó với Chủ nghĩa Khủng bố tại Đại học Maryland, cho biết.
Hơn nữa, cơ quan thực thi pháp luật thiếu các quyền hạn pháp lý cần thiết để phá vỡ một âm mưu trong nước.
Theo ông Braniff, một người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng có thể tự do đưa ra quan điểm của mình trên mạng xã hội và tuyển dụng những người khác, đồng thời tích trữ vũ khí.
"Đó là tất cả các hành vi được pháp luật bảo vệ. Và không có công cụ nào để phá vỡ những âm mưu bạo lực đó", vị chuyên gia nhận định.
Luật chống khủng bố trong nước
Theo ông Braniff, một điều tích cực đó là những kẻ cực đoan đã bị "cách ly" khỏi các mạng xã hội nổi tiếng. Vào thứ Hai, Twitter cho biết đã đóng 70.000 tài khoản của các thành viên thuộc nhóm QAnon.
“Chúng ta phải ngăn chặn sự xâm nhập của các ý thức hệ và âm mưu cực đoan bạo lực. Bởi nếu nó đi theo hướng chính thống, thì mọi chuyện sẽ trở nên khó lường và mất kiểm soát", ông Braniff nói.
Một động thái gây tranh cãi hơn sẽ là chính thức chỉ định các nhóm cực đoan, cách các nhóm khủng bố toàn cầu được xây dựng thương hiệu, hoặc thông qua luật chống khủng bố trong nước để kiểm soát các phần tử này.
Cựu đặc vụ Ali Soufan cho biết phương pháp này đã được các nước châu Âu áp dụng từ lâu nhằm đảm bảo an ninh nội địa.
Có những chuyên gia cảnh báo rằng luật chống khủng bố trong nước sẽ trở thành một công cụ chính trị bị lạm dụng để tấn công các nhóm đối lập chưa có khả năng gây bạo động.
"Nếu trao cho cảnh sát quyền hạn đó, chắc chắn các phong trào như Black Lives Matter sẽ bị gắn nhãn khủng bố", chuyên gia Matthew Feldman nói
Một số người hy vọng rằng với việc Tổng thống Trump rời khỏi Nhà Trắng, vấn đề sẽ biến mất. Nhưng ông Braniff cho rằng điều này là ảo tưởng.
"Những tư tưởng này không chỉ xuất hiện dưới thời ông Trump", ông Braniff khẳng định. "Chưa bao giờ tư tưởng cực hữu này là câu chuyện bị lãng quên. Chỉ cần mất cảnh giác, nó sẽ quay trở lại".