Phát biểu trên truyền hình, Phó Tổng thống Jessica Alupo tuyên bố "ngay lập tức dỡ bỏ mọi hạn chế di chuyển và lệnh giới nghiêm đang áp dụng tại các quận Mubende và Kassanda." Các nhà chức trách đã triển khai lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tại 2 quận miền Trung này trong thời gian qua, với lệnh giới nghiêm ban đêm, cấm đi lại và đóng cửa các chợ, quán bar và nhà thờ.
Bà Alupo cho biết quyết định trên được đưa ra dựa trên tình hình thực tế, khi 2 quận không có ca lây nhiễm mới nào, không ghi nhận các ca tiếp xúc cần theo dõi, cũng như không có bệnh nhân nào đang bị cách ly. Tuy nhiên, bà nhấn mạnh rằng chính phủ vẫn duy trì "báo động ở mức cao" trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.
Quốc gia Đông Phi này đã ghi nhận tổng cộng 142 ca nhiễm và 56 ca tử vong kể từ khi đợt dịch bắt đầu bùng phát vào ngày 20/9. Dịch bệnh cũng đã lây lan tại thủ đô Kampala. Uganda vẫn đang áp dụng các biện pháp ứng phó với dịch Ebola đến hết ngày 10/1/2023. Nếu không có trường hợp nào được báo cáo, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ tuyên bố nước này không còn dịch Ebola, tuy nhiên việc giám sát chặt chẽ sẽ vẫn được tiếp tục trong 90 ngày sau tuyên bố đó.Chính phủ Uganda cũng đã tiếp nhận 1.200 liều vaccine ngừa virus Ebola để sử dụng cho cuộc thử nghiệm lâm sàng nhằm chống lại chủng virus Ebola được ghi nhận tại Sudan đã lây lan ở nước này hồi tháng 9 vừa qua.
Uganda đã trải qua 6 đợt bùng phát dịch Ebola với đợt diễn ra gần đây nhất là vào năm 2019, trong đó 4 đợt do chủng virus Ebola được ghi nhận tại Sudan gây ra. Kể từ năm 2000 đến nay, WHO đã ghi nhận tổng cộng 32 đợt bùng phát dịch Ebola trên thế giới, trong đó đợt nghiêm trọng nhất khiến 11.300 người tử vong tại Tây Phi từ năm 2013 đến 2016.