Dự án thứ nhất là về thúc đẩy đa dạng sinh học do Ủy ban Quốc gia UNESCO của Pháp (CNFU) phát triển, nhắm đến thế hệ trẻ với mục đích chủ yếu là giáo dục. Với sự hỗ trợ của một số đối tác (Deyrolle, Nexity PM, La Française de Gestion, Vùng Ile de France và thành phố Thiên Tân), CNFU đầu tư xây dựng một khu vườn, thí nghiệm thu nhỏ thể hiện mối liên hệ gắn kết giữa Thiên nhiên - Nghệ thuật - Giáo dục. Để tạo ra khu vườn này, tổ chức đã mời một nhà thiết kế cảnh quan nổi tiếng người Pháp, Louis Albert de Broglie, được mệnh danh là “Hoàng tử làm vườn” (Prince Garderner).
Các giống cây trồng khác nhau có thể được xác định bằng mã QR. Hệ thống tưới vườn tự động thông minh, hoạt động với cảm biến độ ẩm và hệ thống tưới nhỏ giọt, giúp giảm lượng nước tiêu thụ đến mức tối thiểu. Các chuồng chim và "khách sạn côn trùng" được lắp đặt, kèm theo là những bảng hướng dẫn giáo dục cung cấp thông tin liên quan, như về thụ phấn hay nông nghiệp đô thị. Các công trình trồng trọt theo mùa cũng được tiến hành.
Để mang lại niềm vui cho những đồng nghiệp muốn dành vài phút nghỉ ngơi giữa phòng thí nghiệm đa dạng sinh học này, những chiếc ghế xếp được bố trí hài hòa với cảnh quan của khu vườn.
Dự án thứ hai về làm vườn đô thị, được xúc tiến thông qua sáng kiến phối hợp giữa UNESCO với Thành phố Paris để đưa nông nghiệp đô thị đến UNESCO.
Công ty Noocity của Bồ Đào Nha liên kết với tổ chức Cultures d’entrepris của Pháp đã lắp đặt các luống trồng công nghệ thấp và bền vững để trồng rau, rau thơm và các loại trái cây nhỏ. Kể từ mùa hè năm ngoái, nhân viên của UNESCO có thể đăng ký nhận giỏ rau thường xuyên và tham gia các hội thảo làm vườn. Trong tương lai, khi tình hình cho phép, UNESCO dự kiến sẽ tổ chức các hội thảo giáo dục thường xuyên tại chỗ về phát triển bền vững cho các trường học, tổ chức phi chính phủ, nhân viên UNESCO và các nhóm khác, tập trung vào giáo dục khoa học đời sống, thực phẩm bền vững, thành phố bền vững, đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu.
Nông nghiệp đô thị , trồng trọt đô thị, hoặc làm vườn đô thị là hoạt động trồng trọt, chế biến và phân phối thực phẩm trong hoặc xung quanh các khu vực đô thị. Nông nghiệp đô thị cũng có thể liên quan đến chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, nông lâm kết hợp, nuôi ong đô thị và làm vườn.