Thông tin Nga chính thức "xuất xưởng" vaccine COVID-19 đã khiến nhiều quốc gia khác không khỏi nghi ngờ về độ an toàn và hiệu quả, mà theo nhiều chuyên gia rằng nước Nga đã "đốt cháy giai đoạn".
Nhiều người cho rằng việc điều chế vaccine Sputnik V đã thiếu đi các dữ liệu cần thiết do mới chỉ tiến hành thử nghiệm lên 76 người, chưa bao gồm cả các nhà nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gamaleya - đơn vị điều chế vaccine.
Theo bác sĩ Sergei Tsarenko - Phó trưởng khoa gây mê và hồi sức tại Bệnh viện Thành phố Moscow 52, việc tiêm vaccine Sputnik V là một cách an toàn và đáng tin cậy hơn để ngăn ngừa dịch COVID-19.
"Cho đến nay, khả năng hình thành kháng thể chỉ có khi một người mắc bệnh và hồi phục. Nhưng cũng có một lựa chọn an toàn hơn, đó là vaccine. Sputnik V là loại vaccine hiệu quả và an toàn được tạo ra bởi các chuyên gia từ Viện Gamaleya", ông Tsarenko khẳng định.
Sputnik V về cơ bản bao gồm 2 thành phần. Đầu tiên là một loại virus adenovirus vô hại, đóng vai trò là "tên lửa" mang theo một đoạn gen của virus SARS-CoV-2 - thành phần còn lại, đóng vai trò là "trạm vũ trụ".
Theo bác sĩ Tsarenko, vaccine được đặt tên theo vệ tinh Sputnik nổi tiếng của Nga bởi cơ chế thâm nhập tương tự cách tên lửa đưa vệ tinh bay lên quỹ đạo Trái đất.
Sau khi được tiêm vaccine, cơ thể con người sẽ tạo ra phản ứng miễn dịch với cả virus adenovirus và SARS-CoV-2, nhưng đó chỉ là phản ứng ngắn hạn, do đó cần phải tiêm thêm mũi thứ hai nhắc lại. Để làm cho khả năng miễn dịch kéo dài lâu hơn, ''trạm vũ trụ'' sẽ tiếp tục được tiêm vào cơ thể 3 tuần sau đó bằng một "tên lửa" khác.
"Kết quả là, cơ thể không tạo ra miễn dịch mạnh đối với virus adenovirus, nhưng tạo ra một lớp bảo vệ mạnh mẽ chống lại virus SARS-CoV-2", bác sĩ Tsarenko nói thêm. "Phương pháp này hết sức đơn giản và đã được phát triển cho vaccine chống Ebola và MERS".
Ông Tsarenko cũng khẳng định, câu hỏi thực sự không phải là liệu Sputnik V có an toàn và hiệu quả hay không, mà là tại sao nó lại được chào đón bằng một "chiến dịch" mang tính tiêu cực trên các phương tiện truyền thông.
"Một câu hỏi khác là ai tài trợ cho các chuyên gia độc lập đang đặt ra những nghi ngờ về vaccine của Nga - liệu đó có phải là các nhà sản xuất vaccine khác hay không", vị bác sĩ nhấn mạnh.