Chủ tịch Kim Jong-il được cho là có 7 người con. Cậu con trai út và người kế vị tương lai của ông là Kim Jong-un, khi đó chỉ đang ở độ tuổi thiếu niên. Mãi đến vài năm sau, khi sức khỏe của nhà lãnh đạo Triều Tiên bắt đầu suy giảm, và câu chuyện về người thừa kế chính thức được đề cập.
Vì vậy, khi đại sứ Pulikovsky hỏi về những đứa con, Chủ tịch Kim đã nói rất nhiều về hai cô con gái của mình. Còn với những đứa con trai, ông Kim gọi họ là “một lũ ngốc chậm chạp”.
Michael Madden, một chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên, cho biết câu chuyện này đã được đề cập tới trong nhiều bài báo và bài viết học thuật.
"Kim Jong-il yêu các con trai của mình, nhưng không áp đặt ý kiến về cuộc sống riêng của họ", ông Madden nói.
Cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-il và đại sứ Nga Konstantin Pulikovsky. |
Bất chấp sự đánh giá đó, cuối cùng ông Kim Jpng-il đã chọn người trai út của mình để kế vị. Quá trình hợp thức hóa bắt đầu vào năm 2009, khi ông Kim Jong-un được cho ra mắt trước bộ máy lãnh đạo. Chủ tịch Kim Jong-il qua đời vì một cơn đau tim 2 năm sau đó.
Mặc dù không thể xác nhận liệu ông Kim Jong-il có đánh giá cao khả năng kế vị của hai cô con gái hay không, nhưng tình cảm của ông dành cho cô con út của mình là Kim Yo-jong, đã được ghi nhận rộng rãi.
Kenji Fujimoto, bút danh của một cựu đầu bếp sushi cho gia tộc Kim, từng trả lời tờ The Washington Post rằng Chủ tịch Kim Jong-il thường gọi cô là "Công chúa Yo Jong". Kim Yo-jong luôn ngồi bên trái cạnh cha mình trong bữa ăn tối, trong khi vợ của ông ngồi bên phải.
Tuy nhiên, ông Kim Jong-il có thể gặp nhiều khó khăn nếu lựa chọn một người con gái kế vị mình, đặc biệt trong hoàn cảnh ông vẫn còn tới 5 người con trai trong tuổi trưởng thành.
Triều Tiên cũng như Hàn Quốc vốn chịu ảnh hưởng lớn của tư tưởng gia trưởng, trong đó phụ nữ được kỳ vọng sẽ là những người vợ hiền thảo và đặt thiên chức làm vợ, làm mẹ lên hàng đầu.
Tuy nhiên, Kim Yo-jong hiện đang nắm vai trò quan trọng trong giới thượng tầng Triều Tiên. Tên của cô luôn được nhắc tới như một trong những người kế vị anh trai mình, khi Chủ tịch Kim Jong-un đột nhiên biến mất khỏi truyền thông hồi tháng 4.
Sự vắng mặt bí ẩn của ông Kim Jong-un đã đặt ra những câu hỏi quan trọng về tương lai của Triều Tiên. Giới tình báo Mỹ và Hàn Quốc cho biết ông Kim từng phải phẫu thuật cắt bỏ u ở mắt cá chân, cũng như có các bệnh nền do chứng thừa cân và có thói quen nghiện thuốc lá.
Các chuyên gia cho biết nếu có bất cứ điều gì xảy ra với Chủ tịch Triều Tiên, “công chúa” Yo-jong nhiều khả năng sẽ tiếp quản vị trí của anh trai.
Vị thế chắc chắn
Từ thời điểm Kim Yo-jong đặt chân lên đất Hàn Quốc vào năm 2018, các máy ảnh đã theo cô khắp mọi nơi. Nhiệm vụ của cô là đại diện cho anh trai mình tại Thế vận hội mùa đông ở thành phố Pyeongchang của Hàn Quốc, cô thậm chí còn không phải là thành viên cấp cao nhất của phái đoàn Triều Tiên mà là ông Kim Yong Nam – người nắm giữ vai trò nguyên thủ quốc gia của Triều Tiên.
Nhưng sự xuất hiện của Kim Yo-jong vẫn hết sức đặc biệt. Cô là thành viên đầu tiên của gia tộc Kim vượt qua vĩ tuyến 38 kể từ năm 1953, khi Chiến tranh Triều Tiên tạm thời kết thúc.
Kim Yo-jong xuất hiện cùng các nguyên thủ quốc gia tại Thế vận hội mùa đông Pyeongchang. |
Kim Yo-jong được biết tới như một trong những trợ lý hàng đầu của Chủ tịch Kim Jong-un. Cô được chỉ định làm Phó Ban Tuyên truyền và Cổ động của Đảng Lao động Triều Tiên, chịu trách nhiệm quản lý hình ảnh của anh trai mình – một vị trí tương tự với cha cô trước khi ông kế vị Chủ tịch Kim Nhật Thành.
Một năm trước chuyến thăm Hàn Quốc, cô cũng đã được bầu làm ủy viên dự khuyết của Bộ Chính trị Triều Tiên, động thái giúp bổ sung tính chính danh trong bộ máy lãnh đạo.
Truyền thông Hàn Quốc rất tò mò trước sự xuất hiện của Kim Yo-jong tại Thế vận hội mùa đông. Thống đốc tỉnh Pyeongchang Choi Moon-soon sau khi tiếp xúc đã mô tả Kim Yo-jong là người "rất điềm tĩnh và tự chủ", một người phụ nữ "rất ít nói" nhưng rất chắc chắn trong lời nói.
Trong chuyến đi của mình, Kim Yo-jong đã cổ vũ cho đội khúc côn cầu liên Triều và tham gia lễ khai mạc cùng với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence. Báo chí thậm chí còn ví cô là một “Ivanka Trump của Triều Tiên”.
Sự xuất hiện của Kim Yo-jong đã giúp cải thiện nhiều hình ảnh của Triều Tiên, mà theo chính quyền Trump là một nhà nước ngang ngược và hiếu chiến.
“Công chúa” Yo-jong còn liên tục xuất hiện trước truyền thông quốc tế trong những lần tháp tùng anh trai tại các hội nghị quốc tế, nhất là hội nghị Hà Nội hồi tháng 2 năm 2019 với Tổng thống Donald Trump.
Hình ảnh một Kim Yo-jong năng động luôn tháp tùng anh trai trong các sự kiện quốc tế đã làm nổi bật vai trò của cô trong bộ máy lãnh đạo Triều Tiên. |
Ngày sinh chính xác của Kim Yo-jong không nhất quán, nhưng được cho là khoảng 30 tuổi. Phía Mỹ cho rằng cô sinh vào ngày 26/9 năm 1989. Nhưng giới tình báo Hàn Quốc cho biết Kim Yo-jong sinh vào năm 1987.
Giống như anh trai Kim Jong-un, Kim Yo-jong đã được đưa đi học ở thành phố Bern của Thụy Sĩ khi còn nhỏ và ở đó 4 năm.
Hai anh em đã trải qua một tuổi thơ đầy cô độc. Đó là một trải nghiệm mà ít ai có thể đồng cảm. Chủ tịch Kim Jong-il được cho là người quyết định hai an hem sống cùng nhau ở Thụy Sĩ, tỏng khi người mẹ được cho là mắc bệnh ung thư vú.
"Do lớn lên và nhận thức rõ hơn về hoàn cảnh mà họ phải đối mặt, đó là một thực tế khá khắc nghiệt”, ông Madden nói. "Giữa Kim Yo-jong và Kim Jong-un có một mối quan hệ không thể phá vỡ”.
Huyết thống Paektu
Với những bức màn bao phủ lên gia tộc họ Kim, không ai có thể biết Kim Yo Jong đã khó khăn thế nào để vượt qua rào cản giới tính để vươn lên trở thành nhân vật cấp cao trong chính giới Triều Tiên.
Nhưng Kim Yo-jong không phải là người phụ nữ bình thường. Dù người cha Kim jong-il có nhiều con cái khác, nhưng Jong-un và Yo-jong từ lâu đã được coi là “hạt giống đỏ” kế cận huyết thống Paektu – ngọn núi thiêng mà là nơi được coi là điểm khởi phát của Chủ tịch Kim Nhật Thành.
"Trước đó chưa từng có ai được đề cập là người thừa kế hợp pháp của Chủ tịch Kim Nhật Thành trong văn hóa chính trị Triều Tiên", ông Madden nói.
Với mối quan hệ khăng khít với anh trai Kim Jong-un, "công chúa" Kim Yong-jol có khả năng được chọn làm người thừa kế nếu xảy ra biến động chính trị tại Triều Tiên. |
Do đó, không có lý do gì để nói rằng Kim Yo-jong chỉ có thể sắm vai phụ tá và không được chuẩn bị tốt như anh trai mình để thừa kế vị trí lãnh đạo Triều Tiên.
Jean Lee, cựu giám đốc văn phòng hãng thông tấn AP tại Bình Nưỡng, cho biết cô cũng tin rằng thành công và di sản của Kim Yo-jong "quan trọng đối với dòng họ Kim hơn giới tính của mình".
"Trong nhiều năm, các nhà quan sát đã nói rằng Triều Tiên sẽ không chấp nhận một người phụ nữ làm lãnh đạo", Lee nói. "Tôi đã nói trong nhiều năm rằng nhà lãnh đạo tiếp theo của Triều Tiên sẽ là phụ nữ - miễn là cô ấy là người họ Kim tốt nhất cho vai trò này."