Khoản vay và lãi suất
Đối với câu hỏi: “Vụ việc giữa Ngân hàng VIB chi nhánh Q.10 và khách hàng Trần Vũ Xuân Lâm (SN 1984) đến nay được xử lý thế nào?”, VIB cho biết, ông Lâm ký kết hợp đồng tín dụng (HĐTD) với Ngân hàng VIB vào ngày 27/8/2020 và ngày 15/9/2021 để vay vốn. TSBĐ (tài sản bảo đảm – PV) cho khoản vay là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Hợp đồng thế chấp (HĐTC) đã được công chứng và được đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định pháp luật. Hiện khoản vay của khách hàng đã quá hạn thanh toán và đang được phân loại vào nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN.
Ông Lâm có 2 khoản vay tại VIB Q.10. |
Văn bản nêu: “Kể từ khi khoản vay của khách hàng chuyển sang nợ quá hạn, ngân hàng đã gửi thông báo bằng nhiều phương thức khác nhau như thư điện tử (email)/điện thoại để đôn đốc và mời khách hàng đến làm việc trực tiếp nhưng khách hàng không hợp tác và không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ.
Do đó, ngân hàng đã khởi kiện khách hàng cùng các bên liên quan ra toà để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật. Hiện vụ việc đang được TAND Q.Bình Thạnh thụ lý và đang trong quá trình hoàn tất thủ tục tố tụng để đưa ra xét xử.
Trong quá trình thực hiện HĐTD, để giải đáp thắc mắc của khách hàng về lãi suất và các vấn đề liên quan đến HĐTD, ngân hàng đã gửi các văn bản ngày 23/12/2022 và ngày 3/1/2023 tới khách hàng. Đồng thời, ngân hàng đã giải đáp trực tiếp cho khách hàng vào các ngày 16/1/2023, ngày 2/2/2023 và gửi thông báo mời khách hàng đến trụ sở làm việc 3 lần vào các ngày 9/2/2023, 16/2/2023 và 23/3/2023”.
Những thông tin vừa nêu không khác là mấy so với phản ánh mà ông Lâm gửi đến phóng viên cũng như các đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi các cơ quan chức năng. Liên quan đến việc: “Khách hàng phản ánh lãi suất cho hai khoản vay đã bị VIB đơn phương tăng lên mà không có sự thoả thuận thống nhất, không có thông báo và xác nhận của khách hàng theo Thông tư của Ngân hàng Nhà nước?”.
VIB nhiều lần tăng lãi suất của 2 khoản vay của khách hàng. |
VIB hồi đáp: “Việc ngân hàng điều chỉnh lãi suất định kỳ các khoản vay của khách hàng khi đến kỳ điều chỉnh lãi suất là phù hợp với thoả thuận tại các HĐTD và Khế ước nhận nợ đã ký với khách hàng.
Lãi suất cơ sở luôn được ngân hàng cập nhật, đăng tải minh bạch tại website www.vib.com.vn khi có sự thay đổi. Trước mỗi kỳ thanh toán hàng tháng, VIB đã gửi email cho khách hàng số tiền cần thanh toán trong kỳ. Ngoài ra, thông tin lãi suất đều được thể hiện trong mục khoản vay trên ứng dụng Ngân hàng di động MyVIB.
Khi khoản vay của khách hàng phát sinh nợ quá hạn, ngân hàng đã gửi thông báo bằng phương thức gửi email (điện tử)/điện thoại đến khách hàng và bên thế chấp về việc trễ hạn để yêu cầu khách hàng trả nợ hoặc chủ động bàn giao TSĐB để ngân hàng xử lý thu hồi nợ theo thoả thuận tại HĐTD và HĐTC, phù hợp với quy định của pháp luật.
Bằng công văn này chúng tôi khẳng định, với tinh thần tuân thủ pháp luật, ngân hàng luôn đảm bảo thực hiện đúng thoả thuận trong các hợp đồng đã ký kết với khách hàng và quy định của pháp luật có liên quan. Các nội dung phản ánh của khách hàng tới Quý Ban Biên tập và Quý Nhà báo là không có căn cứ pháp lý.
Các nội dung đã được chúng tôi giải đáp chi tiết và cung cấp thông tin đầy đủ bằng văn bản, buổi làm việc trực tiếp với khách hàng. Tuy nhiên, khách hàng không hợp tác giải quyết và liên tục gửi đơn thư đến các nơi, đồng thời đưa ra các yêu cầu bất hợp lý đối với ngân hàng. Hiện nay, ngân hàng đang chờ kết quả giải quyết của TAND Q.Bình Thạnh và sẽ tuân thủ phán quyết có hiệu lực. Trân trọng!”.
Khách hàng nhận thấy sự bất thường trong cách thu nợ tự động của VIB. |
Nhiều thắc mắc bị lờ đi
Ngoài những thông tin vừa nêu, phóng viên còn đưa ra nhiều thắc mắc như: Lý do VIB từ chối cung cấp sổ sách để khách hàng đối chiếu, qua đó tất toán khoản vay? Khách hàng thống kê tổng số tiền lãi và gốc mà VIB trừ nợ khoảng 1,9 tỷ đồng còn VIB thừa nhận khách hàng đã trả hơn 1,1 tỷ đồng cả gốc và lãi. Số liệu nào là chính xác...?
Khách hàng vay sửa chữa nhà và mong muốn mượn lại giấy tờ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước để bổ sung thủ tục; Ngân hàng VIB đã thu phí “mượn lại tài sản” nhưng tại sao không thực hiện giao giấy tờ cho khách hàng? Tại sao VIB lại cập nhật lên Trung tâm CIC khoản vay nêu: Bảo đảm tiền vay bằng tài sản: “Không có”?...
Quan điểm của VIB như thế nào khi khách hàng nghi ngờ hoạt động của hệ thống thu nợ tự động VIB có vấn đề hoặc có hành động không đúng đắn từ phía nhân viên VIB Q.10 (khách hàng đã khiếu nại, tố cáo việc này)... Và nhiều câu hỏi khác nhưng thay vì giải đáp để khách hàng và dư luận được rõ thì phía VIB chọn cách lờ đi.
Ông Lâm nhận thấy vụ việc có dấu hiệu hình sự nên từ đầu năm 2023 đã có đơn phản ánh hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ quản lý, nhân viên VIB Q.10 gửi Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM. Cơ quan này hướng dẫn, đề nghị ông Lâm gửi đến Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước để được xem xét, xử lý.
Tháng 3/2023, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước có phản hồi, hướng dẫn ông Lâm liên hệ VIB để được giải quyết vấn đề lãi suất, thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo; nếu không đồng ý có thể kiện ra toà. Các nội dung liên quan hành vi vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra. Đề nghị viết tách nội dung gửi đến các đơn vị này.
Từ tháng 6 đến tháng 12/2023, các cơ quan thuộc Bộ Công an có nhiều phiếu chuyển đơn của ông Lâm đến Công an TP.HCM. Đơn sau đó được chuyển đến Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước, Công an Q.1 và Công an Q.Bình Thạnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Ông Lâm có nhiều đơn thư gửi các cơ quan chức năng. |
Ông Lâm nói: “Tôi mong các cơ quan chức năng sớm xem xét giải quyết theo thẩm quyền, làm rõ trắng đen để tôi tất toán, chấm dứt mọi quan hệ với VIB. Sau khi đối chiếu sổ sách rõ ràng, nếu tôi sai, tôi chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nếu lỗi xuất phát từ hệ thống của VIB hay nhân viên VIB cố tình làm sai hồ sơ tín dụng thì họ phải chịu trách nhiệm, xin lỗi công khai, trả lại uy tín, danh dự, nhân phẩm cho tôi và gia đình”.
Thấp thoáng kịch bản làm giả hồ sơ vay vốn
Những năm qua, nhiều vụ nhân viên ngân hàng làm giả hồ sơ tín dụng, hồ sơ vay vốn... đã bị cơ quan điều tra phát hiện, khởi tố. Nhân viên nhà băng bằng nhiều cách khác nhau làm giả giấy tờ đứng tên khách hàng, chiếm đoạt số tiền lớn do ngân hàng giải ngân, còn người đi vay dù không nhận được tiền nhưng lại gánh dư nợ khổng lồ.
Kể như năm 2021, Công an Đà Nẵng bắt Nguyễn Lâm Mạnh (27 tuổi), nhân viên tín dụng Ngân hàng VIB chi nhánh Thanh Khê để điều tra về hành vi: "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" số tiền 1,2 tỷ đồng.
Một người đàn ông có nhu cầu thế chấp nhà đất để vay vốn và được giới thiệu đến nhân viên VIB. Dù biết khách hàng không đủ điều kiện vay tại Ngân hàng VIB nhưng Mạnh vẫn làm khống các giấy tờ chứng minh mục đích vay, hồ sơ thủ tục về phương án vay và phương án trả nợ... để hợp thức chứng từ đảm bảo các quy định của Ngân hàng VIB.
Khi đưa các giấy tờ thủ tục vay cho khách hàng ký, Mạnh không để người này đọc nhằm tránh bị phát hiện. Sau khi được ngân hàng chấp thuận cho vay, nhân viên này tiếp tục gian dối đưa đơn đề nghị giải ngân, ủy nhiệm chi cho khách hàng ký khi chưa có nội dung. Sau đó, Mạnh ghi số tài khoản của người khác để phía ngân hàng chuyển tiền, chiếm đoạt số tiền 1,2 tỷ đồng.
Xong xuôi, Mạnh lấy 400 triệu đồng đưa cho khách hàng. Khi người này đi kiểm tra thì phát hiện bản thân đang gánh số dư nợ là 1,2 tỷ đồng, còn tài khoản thụ hưởng là của một người lạ nên trình báo cơ quan điều tra. Ngoài ra, kịch bản tương tự cũng xuất hiện ở nhiều ngân hàng khác từng bị cơ quan điều tra phanh phui.
Hệ thống VIB trừ hơn 820 triệu đồng từ thẻ của khách hàng với nội dung: “Thu TT + PPTNTH 1.5%/1093214.20/Tran Vu Xuan Lam" và những biến động số tiền 869 triệu đồng. |
Trường hợp của ông Trần Vũ Xuân Lâm cũng thấp thoáng bóng dáng câu chuyện trên khi xuất hiện dữ liệu VIB thu nợ tự động ít nhất 820 triệu đồng cho một khoản nào đó với nội dung: Thu TT + PPTNTH 1.5%/1093214.20/Tran Vu Xuan Lam (đã nêu ở bài 3) nên rất cần các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân!