Trả lại bệnh nhân hơn 11 triệu đồng
Theo nội dung văn bản lần hai ký ngày 16/3, Bệnh viện Ung Bướu TP thay đổi lý do không trả lời thông tin đầy đủ cho chúng tôi là vì phóng viên gửi 2 chủ đề tin nhắn khác nhau, nên không đủ thông tin để xác định bệnh nhân. Trong khi văn bản ngày 15/3, Bệnh viện lại cho rằng không được phóng viên không cung cấp thông tin nên bệnh viện khó có thể ra soát. Dù rằng, công văn này lại xác nhận qua rà soát, bệnh viện chỉ phát hiện có 1 trường hợp tương tự… Dù bệnh viện tiếp tục bất nhất, nhưng có lẽ vấn đề này có thể gác lại không bàn tới nữa!
Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. |
Tiếp đó, Bệnh viện Ung Bướu TP xác nhận: Có việc chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Hồng Đức phẫu thuật. Bệnh nhân đóng tạm ứng hơn 28 triệu đồng tại Bệnh viên Hồng Đức và sau đó bệnh nhân được hoàn lại số tiền hơn 11,6 triệu đồng vào đúng ngày xuất viện 11/3, có chữ ký bệnh nhân trên phiếu viện phí.
Về vấn đề này, Bệnh viện Ung Bướu một hai cho rằng báo nêu chưa đúng. Để rộng đường dư luận, chúng tôi trả lời rằng: Việc tạm ứng hơn 28 triệu đồng là đúng, có giấy biên nhận; còn việc hoàn trả lại tiền, theo nguồn tin chúng tôi nhận được, sau khi báo đăng bệnh nhân mới được trả lại tiền và để thông tin chính xác, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với bệnh viện để xác minh thời điểm hoàn trả tiền nhưng đến nay vấn đề này mới được bệnh viện nói tới. Tuy nhiên bệnh viện vẫn từ chối cung cấp hoá đơn, biên lai vì bệnh viện cho rằng không phù hợp, liên quan đến riêng tư cá nhân.
Như vậy, tổng chi phí thực tế bệnh nhân chi trả là hơn 17,1 triệu đồng. Trong đó, 6 triệu đồng là chi phí phẫu thuật (dù hiện vẫn chưa cung cấp cụ thể đề án nhưng Bệnh viện Ung Bướu vẫn khẳng định chi phí này được giữ nguyên khi đề án được Sở Y tế TP phê duyệt từ năm 2015 đến nay cho phẫu thuật thuỳ giáp). Trong 6 triệu đồng này, Bệnh viện Ung Bướu được nhận 70% để bồi dưỡng cho kíp phẫu thuật và phần còn lại nộp vào ngân sách bệnh viện. Hơn 11 triệu đồng còn lại là chi phí tiền giường, xét nghiệm, thuốc men, vật tư, dịch vụ đi kèm khác… theo phát sinh trên thực tế.
Lý giải vì sao có sự chênh lệch mức giá phẫu thuật tại Bệnh viện Hồng Đức cao hơn bệnh viện Ung Bướu TP, Bệnh viện Ung Bướu cho rằng đó là điều dễ hiểu vì Bệnh viện Hồng Đức là bệnh viện tư, có cơ sở vật chất khang trang hơn, các dịch vụ tăng thêm cho bệnh nhân đa dạng hơn, đồng thời bệnh viện tư được quyền thu khấu hao trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất với giá tính đúng, tính đủ viện phí. Trong khi Bệnh viện Ung Bướu TP chỉ được tính 5/7 mục cấu thành giá. Cần nêu rõ, trong đề án này, tất cả giá viện phí ở Bệnh viện Hồng Đức đều được công khai và tư vấn rõ cho bệnh nhân.
Cảnh đông đức trước cổng Bệnh viện Ung Bướu cơ sở Bình Thạnh. |
Được biết, trong những năm qua, mỗi năm có khoảng 2% (trong tổng số 26.000 bệnh nhân, tương đương hơn 500 bệnh nhân/năm) bệnh nhân được chuyển từ Bệnh viện Ung Bướu TP sang Bệnh viện Hồng Đức phẫu thuật. Bệnh viện cho rằng 7 năm qua, chưa nhận được phản ánh nào từ bệnh nhân.
Để làm rõ những vấn đề liên quan đến vụ việc này, ngày 15/3 và 18/3 phóng viên Ngày Nay đã trực tiếp liên hệ với phía Bệnh viện Hồng Đức để xác minh làm rõ. Tuy nhiên, lãnh đạo Bệnh viện Hồng Đức cho biết do đang kẹt mổ nên sẽ thu xếp lịch hẹn làm việc sau.
Vẫn chưa rõ đề án trên giấy và đề án thực tế?
Dù tới nay "khối u" liên quan tới việc bệnh nhân phải đóng tạm ứng hơn 28 triệu đồng khi được chuyển tới phẫu thuật tại Bệnh viện Hồng Đức, cũng như "bí ẩn" việc hoàn trả lại hơn 11 triệu đồng (theo thông tin mà bệnh viện Ung Bướu TP cung cấp) vẫn chưa được "phẫu thuật, mổ xẻ" tới nơi tới chốn thì câu hỏi dành cho các bệnh viện liên quan cũng như Sở Y tế TP - đơn vị phê duyệt đề án liên kết chuyên môn giữa hai bệnh viện này là:
Số tiền chi phí phẫu thuật cho trường hợp bệnh nhân liên quan đến bài viết... là 6 triệu đồng. Bệnh viện Ung Bướu TP nhận lại 70%, tương đương số tiền là 4,2 triệu đồng. Sau khi trừ đi công mổ của ekip Bệnh viện Ung Bướu, phần còn lại sẽ được chuyển vào ngân sách bệnh viện này. Vậy, hiểu như thế nào về số tiền "lại quả" mà Bệnh viện Ung Bướu nhận được trong trường hợp này, nếu không phải nhờ "câu" bệnh nhân sang Bệnh viện Hồng Đức mổ? Và 7 năm qua số tiền "hoa hồng" Bệnh viện Ung Bướu TP nhận được là bao nhiêu và mỗi ca cụ thể là bao nhiêu %?.
Chưa hết, theo như giải trình của Bệnh viện Ung Bướu TP, cũng trong 6 triệu tiền chi phí phẫu thuật nói trên, không biết vai trò của Bệnh viện Hồng Đức như thế nào mà được hưởng 30%, tương đương 1,8 triệu đồng. Trong khi, Bệnh viện Ung Bướu TP cho rằng: Bác sĩ là do bệnh viện Ung Bướu TP cử sang, các chi phí dịch vụ khác Bệnh viện Hồng Đức đã được tính đúng tính đủ theo từng khoản.
Bệnh viện Hồng Đức. |
Chỉ cần "mổ xẻ" sơ qua số tiền chi phí mổ cũng phần nào thấy được bệnh nhân phải trả tiền mổ cho cả 2 Bệnh viện (4,2 triệu đồng cho Ung Bướu và 1,8 triệu đồng cho Hồng Đức). Trong khi bệnh nhân cũng đã trả đủ chi phí tiền giường, xét nghiệm, thuốc men, vật tư, dịch vụ đi kèm khác... cho Bệnh viện Hồng Đức như đã nói ở phần đầu.
Để làm rõ những vấn đề này, liên tiếp những ngày qua, chúng tôi nhiều lần đề nghị Bệnh viện Ung Bướu cung cấp nội dung đề án được phê duyệt để đối chiếu với những nội dung mà bệnh viện đưa ra, nhưng đến nay đề án này vẫn chưa được công bố, dù rằng theo Sở Y tế thì nó mang ý nghĩa rất nhân văn, nhằm tăng cường dịch vụ khám chữa bệnh và góp phần giảm quá tải cho Bệnh viện Ung Bướu.
Vậy, câu hỏi đặt ra là, đề án mà Sở Y tế TP phê duyệt là đề án nào?. Giữa đề án được Sở Y tế TP phê duyệt cho phép và đề án thực tế có gì khác nhau không?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại TP.HCM có rất nhiều bệnh viện cũng thực hiện mổ thuỳ giáp, vậy mà Bệnh viện Ung Bướu lại chuyển hơn 500 bệnh nhân/năm sang Bệnh viện Hồng Đức với sự cho phép của Sở Y tế TP. Dư luận cũng mong Sở Y tế TP trả lời về việc, vì sao tình trạng quá tải kéo dài hàng chục năm qua, ngành y tế TP vẫn chưa tìm ra giải pháp khắc phục. Nhất là khi Bệnh viện Ung Bướu cơ sở tại TP.Thủ Đức đã xây xong nhưng vì lý do gì mà chưa hoạt động hết công suất. Trong khi Bệnh viện Ung Bướu cơ sở Bình Thạnh quá tải trầm trọng?!
Thay vì xấu hổ cho ngành y tế của một TP lớn nhất nước, vì quá tải đến mức phải chuyển bệnh nhân từ bệnh viện “this” sang bệnh viện “that”, khiến bệnh nhân phải thanh toán số tiền không hề nhỏ thì thời gian qua, không ít người còn xem như một "thành tích" giảm tải tự hào. Để rồi đến giờ họ vẫn lấy lý do, 7 năm qua không nhận được ý kiến phàn nàn từ bệnh nhân để biện hộ cho đề án này.
Lãnh đạo Sở Y tế TP, Bệnh viện Ung Bướu TP nghĩ sao nếu bệnh nhân là người nhà, người quen (của anh/chị) khi vào viện mà không mổ được vì quá tải, chờ lâu nên phải chuyển viện khác để mổ. Giả sử họ là bệnh nhân khó khăn phải vay mượn tiền chữa bệnh, miễn sao được mổ mà không dám ý kiến gì chỉ vì họ là người bệnh… thì sao?.
Mà thực tế, có rất nhiều người bệnh đến Bệnh viện Ung Bướu khi trong túi chỉ có vài đồng bạc lẻ, xin từng bữa cơm, chai nước, sống nương tựa người tốt bụng và cậy nhờ sự vận động kinh phí phẫu thuật từ nhiều mạnh thường quân, nhà hảo tâm và các cơ quan báo chí...!