Trong văn bản số 7561 do Phó Giám đốc Sở GDĐT TP Lê Hoài Nam ký ban hành, gửi các đơn vị trực thuộc, Phòng GDĐT TP.Thủ Đức, các quận huyện và trường THPT công lập, nêu: “Thực hiện Quyết định số 1813 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, UBND TP.HCM xây dựng Kế hoạch triển khai… trên địa bàn TP.HCM.
Mục tiêu được xác định là cần đẩy mạnh, mở rộng việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với thu học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục trong cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố….; đảm bảo pháp lý theo quy định, đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh toán; bảo vệ người tiêu dùng…”.
Sở GDĐT lưu ý một số nội dung từ năm học 2023-2024: “Đề nghị thủ trưởng các cơ sở giáo dục và đào tạo sử dụng đúng tên Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 trong các văn bản triển khai. Điều chỉnh và không tiếp tục sử dụng cụm từ “Đề án thẻ thanh toán học phí SSC (gọi tắt là: Đề án thẻ SSC).
Đặc biệt lưu ý lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán có mức phí thấp nhất hoặc không thu phí để giới thiệu đến cha mẹ học sinh, người học; thực hiện công khai bằng nhiều hình thức về mức phí sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đồng thời hướng dẫn cách thực hiện trên bảng hướng dẫn của trường, phiếu thông báo các khoản thu hàng tháng…; từ đó cha mẹ học sinh, người học có thể lựa chọn theo nhu cầu…
Bên cạnh đó, cung cấp đầy đủ thông tin các ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán đang tham gia triển khai tốt dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt để cha mẹ học sinh, người học an tâm khi sử dụng”.
Động thái mới của Sở GDĐT TPHCM được đưa ra sau loạt bài phản ánh của Ngày Nay liên quan đến đề án SSC. |
Ngoài ra, Sở còn yêu cầu đa dạng hoá các kênh thanh toán, không tạo lợi thế cho bất kỳ một ngân hàng hay đơn vị trung gian thanh toán nào; tạo mọi điều kiện để phụ huynh học sinh, người học có nhiều lựa chọn và thuận tiện trong thanh toán học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục khác.
Các cơ sở giáo dục thực hiện kết nối với các hệ thống thanh toán được cấp phép, đảm bảo tuân thủ các quy định, hướng dẫn hiện hành, đảm bảo an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân… Đảm bảo pháp lý đúng quy định, dữ liệu thông tin thanh toán (số tiền, mã số học sinh, sinh viên…) được ghi nhận chính xác, rõ ràng và hệ thống.
Động thái mới của Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM được đưa ra sau khi Ngày Nay có loạt bài “Đề án SSC có lợi cho ai?”, nội dung phản ánh phụ huynh đóng học phí qua Đề án SSC (do Sở phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, Công ty Cổ phần Văn hóa Ngôi Nhà Xanh triển khai từ năm 2014) bị mất phí giao dịch cao nhất là 22.500 đồng, thấp nhất là 5.000 đồng.
Số tiền này đa số được chia theo tỷ lệ 6:4, tức ngân hàng, ví điện tử hưởng 60% còn doanh nghiệp phát triển phần mềm SSC là Công ty Cổ phần Văn hoá Ngôi Nhà Xanh nhận 40%. Một số ngân hàng không thụ hưởng mà chuyển 100% cho doanh nghiệp này.
Công ty Cổ phần Văn hoá Ngôi Nhà Xanh cho biết, đến nay có 700 trường học trên địa bàn sử dụng phần mềm SSC; có 24 ngân hàng và 19 Ví điện tử được liên kết.
TP.HCM có khoảng 1,7 triệu học sinh. Nếu một triệu phụ huynh thực hiện đóng học phí mất phí 7.500 đồng/lần thông qua SSC thì mỗi tháng phí giao dịch là 7,5 tỷ đồng. Một năm học có 9 tháng, tổng phí giao dịch lên tới 67,5 tỷ đồng.