Trong một báo cáo, WB nêu rõ: "Những yêu cầu về tài chính liên quan tới tiến trình chuyển đổi (sang sử dụng năng lượng xanh) có thể lên tới 4,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)/năm, hay 8.500 tỷ rand (khoảng 500 tỷ USD) từ nay đến năm 2050". Theo WB, trong bối cảnh năng lực tài chính của chính phủ Nam Phi có giới hạn, tiến trình chuyển đổi này sẽ cần tới nguồn tài chính của khu vực tư nhân và từ nước ngoài.
WB cho biết Nam Phi thải ra 1,2% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu, với gần một nửa trong số này đến từ ngành năng lượng chủ yếu dựa vào than đá của nước này.
Báo cáo của WB nêu rõ: "Ngành điện (của Nam Phi) sẽ cần chuyển đổi mạnh mẽ bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo thay cho than đá". WB ước tính điện gió và điện Mặt trời sẽ chiếm khoảng 85% sản lượng điện của nước này vào năm 2050.
Theo WB, cường độ carbon của Nam Phi cao hơn 3,2 lần so với mức trung bình toàn cầu trong năm 2019. Do vậy, nước này cần bắt đầu chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo, góp phần giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở nước này.
WB ước tính sẽ có ít nhất 300.000 việc làm bị mất trong những ngành có phát thải cao. Đổi lại mỗi việc làm bị mất sẽ là 2-3 việc làm được tạo ra trong các ngành khác như chế tạo xanh, năng lượng tái tạo và khai khoáng phi than đá.