“Làn sóng thứ ba đang gia tăng tốc độ, lây lan nhanh hơn và mạnh hơn. Đây là điều vô cùng đáng lo ngại. Với số ca mắc tăng nhanh và các báo cáo về triệu chứng nặng xuất hiện dày đặc, đây có thể đợt lây nhiễm tồi tệ nhất ở châu Phi”, Tiến sĩ Matshidiso Moeti - Giám đốc WHO khu vực châu Phi, cảnh báo.
Các quốc gia châu Phi đã ghi nhận hơn 5 triệu ca mắc COVID-19 và gần 140.000 trường hợp tử vong, mặc dù con số thực sự được cho là cao hơn nhiều. Nam Phi, Uganda và Cộng hòa Dân chủ Congo là một trong những quốc gia có mức độ gia tăng nghiêm trọng nhất và hệ thống y tế của những nước này gần như bị quá tải.
Giới chức y tế đổ lỗi cho các yếu tố khách quan như việc người dân không tuân thủ các quy định phòng dịch và gia tăng đi lại, đặc biệt là sự lây lan của biến thể Delta, hiện đang chiếm ưu thế tại Cộng hòa Dân chủ Congo và Uganda.
Tại tỉnh Gauteng, khu vực kinh tế và đông dân nhất của Nam Phi, các bệnh nhân COVID-19 hiện đang phải nằm trên cáng nhiều ngày để chờ được xếp giường bệnh.
Sự gia tăng các ca bệnh trong mùa đông tại Nam bán cầu đã được dự đoán từ trước, dẫn đến sự chỉ trích giận dữ của các quan chức cấp tỉnh và quốc gia. Ở Nam Phi, sự phẫn nộ đã được thúc đẩy bởi một loạt vụ bê bối tham nhũng. Bộ trưởng Y tế nước này đã bị đình chỉ trong khi chờ cuộc điều tra về các cáo buộc ghép tạng.
Tại Kenya, các chính trị gia quyết định tiến hành các cuộc biểu tình đồng loạt bất chấp cảnh báo từ các chuyên gia y tế.
Cuộc khủng hoảng tại châu Phi ngày càng trở nên tồi tệ hơn do tiến độ tiêm chủng chậm chạp, một phần là bởi khan hiếm nguồn cung và cơ sở bảo quản vaccine không đảm bảo. Theo WHO, cứ 100 người trên khắp châu Phi thì chỉ có hơn một người đã được tiêm chủng.
8 quốc gia châu Phi đã sử dụng tất cả vaccine do COVAX hỗ trợ, trong khi 18 quốc gia khác gần cạn kiệt nguồn dự trữ. Trong số 2,7 tỷ liều vaccine được tiêm trên toàn cầu, chỉ dưới 1,5% là ở châu Phi.
Ông John Nkengasong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi, cho biết lục địa này đã không chiến thắng trong cuộc chiến chống lại virus.
“Làn sóng thứ ba đã đến với mức độ nghiêm trọng mà hầu hết các quốc gia đã không sẵn sàng đối mặt.", ông Nkengasong nói. “Đối với tôi, dù vaccine đến từ COVAX hay bất cứ nơi nào cũng không thực sự quan trọng. Tất cả những gì chúng tôi cần là tiếp cận nhanh chóng với vaccine".
Đầu tuần này, đặc phái viên của Liên minh châu Phi Strive Masiyiwa đã cáo buộc các quốc gia giàu có cố tình không cung cấp đủ vaccine COVID-19 cho lục địa này.
Ông Masiyiwa cho biết chương trình COVAX đã không giữ lời hứa đảm bảo sản xuất 700 triệu liều vaccine để kịp giao hàng vào tháng 12 năm 2021.
“Vấn đề không phải là liệu đây có phải là một sự thất bại về mặt đạo đức hay không mà nó là do cố ý. Những quốc gia có nguồn lực đã đẩy nhanh tiến độ của họ để được xếp hàng trước và nắm quyền kiểm soát nguồn cung", ông Masiyiwa khẳng định.