Tổng giám đốc WHO cho biết việc ngừng tiêm bổ sung nhằm tạo điều kiện cho ít nhất 10% dân số trên thế giới có cơ hội được tiêm chủng.
Lời kêu gọi ngừng tiêm mũi vaccine thứ ba là lời kêu gọi mạnh mẽ nhất từ WHO trong bối cảnh khoảng cách giữa tỷ lệ tiêm chủng ở các nước giàu và nghèo ngày càng chênh lệch.
"Tôi hiểu mối quan tâm của tất cả các chính phủ trong việc bảo vệ người dân của họ khỏi biến thể Delta. Nhưng chúng ta không thể chấp nhận việc một số quốc gia đã sử dụng hầu hết nguồn cung vaccine trên toàn cầu lại tiếp tục sử dụng nhiều hơn", ông Tedros tuyên bố.
Tính đến tháng 5, cứ 50 liều vaccine lại được tiêm cho 100 người dân tại các nước phát triển và con số đó đã tăng gấp đôi. Các nước thu nhập thấp chỉ có thể tiêm 1,5 liều cho mỗi 100 người do thiếu nguồn cung, theo WHO.
“Chúng ta cần một sự đảo ngược khẩn cấp, phần lớn vaccine thay vì được chuyển đến các nước thu nhập cao sẽ được đưa tới các nước thu nhập thấp", ông Tedros đề xuất.
Một số quốc gia đã bắt đầu sử dụng hoặc bắt đầu cân nhắc về việc tiêm bổ sung vaccine cho người dân.
Đầu tuần này, Đức cho biết sẽ bắt đầu tiêm mũi thứ ba cho những người dễ bị tổn thương. Trong khi UAE cũng sẽ bắt đầu cung cấp một mũi nhắc lại cho tất cả những người được tiêm chủng đầy đủ những vẫn có nguy cơ mắc cao.
Tuần trước, Tổng thống Israel Isaac Herzog đã tiêm mũi vaccine thứ ba nhằm khởi động chiến dịch tiêm chủng bổ sung cho những người trên 60 tuổi ở nước này.
Vào tháng 7, Mỹ đã ký một thỏa thuận với Pfizer và đối tác BioNTech để mua 200 triệu liều vaccine bổ sung để đảm bảo nguồn cung cho nhóm đối tượng trẻ em. Giới chức y tế nước này vẫn đang đánh giá độ cần thiết của mũi tiêm thứ ba.