Vào sáng ngày hôm qua (27/3), workshop "Nhựa tái sinh" đã được dự án bảo vệ môi trường Irecycle tổ chức thành công tại khu phức hợp Complex 01 (ngõ 167 Tây Sơn, Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội). Sự kiện này nằm trong những hoạt động hằng tháng do Irecycle phối hợp cùng Đại sứ quán Mỹ tổ chức.
Các bạn trẻ lắp ráp mô hình từ ống hút nhựa tại workshop "Nhựa tái sinh". (Ảnh: Việt Khôi) |
Với workshop "Nhựa tái sinh", Irecycle muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên về tác hại của rác thải nhựa, và làm sao để phân loại & tái chế rác thải nhựa đúng cách. Workshop có sự tham gia của gần 30 bạn trẻ từ học sinh tiểu học tới sinh viên đại học, với "cô giáo" là chị Nguyễn Thị Tình - founder của Irecycle.
Buổi sinh hoạt được chia làm hai phần: lý thuyết và thực hành. Ở phần lý thuyết, "học sinh" sẽ nghe "cô giáo" Tình cùng "trợ giảng" là các tình nguyện viên của Irecycle phổ biến kiến thức về tác hại của rác thải nhựa. Sau đó, học sinh sẽ được hướng dẫn cách phân loại và tái chế rác thải nhựa qua cuốn sổ tay "Tái chế là thế", do đội ngũ Irecycle biên soạn và thiết kế.
|
|
Cuối cùng, các bạn trẻ sẽ tự tay lắp ráp các mô hình nhà, xe, động vật,... bằng ống hút nhựa và giấy. Sau khi hoàn thành, các em sẽ thuyết trình về sản phẩm của mình để nhận được các phần quà lưu niệm của Irecycle và Đại sứ quán Mỹ. Một số bạn trẻ ưa thích nghệ thuật còn sang quầy vẽ Henna để trổ tài hội họa.
Vẽ Henna cũng là hoạt động được nhiều bạn trẻ yêu thích tại workshop "Nhựa tái sinh". (Ảnh: Việt Khôi) |
Tuy được tổ chức như một lớp học về bảo vệ môi trường, nhưng không vì thế mà workshop "Nhựa tái chế" thiếu đi sự sôi nổi. Các học sinh của "cô giáo" Tình rất tích cực giơ tay phát biểu ý kiến, đặt câu hỏi về rác thải nhựa. Khi thực hành, các em lại tích cực tương tác, giúp đỡ nhau hoàn thành các sản phẩm.
Những phần quà Irecycle lưu niệm trao cho các bạn trẻ. (Ảnh: Việt Khôi) |
Chị Tình hy vọng, trong tương lai Irecycle sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn nữa để các workshop tương tự được tổ chức. Chị quan niệm rằng, để nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, giáo dục thế hệ trẻ là một trong những yếu tốt cốt lõi tạo nên sự thành công.
"Nếu các bạn trẻ thực hiện tốt việc phân loại, tái chế rác thải, hành động của các em sẽ tác động tới nhận thức và hành động của những người xung quanh - đầu tiên là các bậc cha mẹ. Irecycle tin rằng, giáo dục về bảo vệ môi trường cho thế hệ trẻ cũng giống như chăm sóc một vườn cây xanh. Mỗi ngày, chúng ta "tưới" cho những mầm xanh một chút kiến thức và "bón" một chút hành động, rồi những mầm cây ấy sẽ lớn lên, đơm hoa kết trái, tỏa bóng mát và hương thơm cho cộng đồng," chị Tình chia sẻ.