Dự kiến, luật sẽ có hiệu lực từ năm 2027 và khi đó, mọi hoạt động giết mổ, phân phối, buôn bán chó sẽ hoàn toàn bị cấm. Nếu vi phạm sẽ bị phạt tù tới 3 năm hoặc phạt tiền lên tới 30 triệu won (khoảng 22.500 USD).
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, thống kê cho thấy ở Hàn Quốc có 5.625 doanh nghiệp liên quan đến buôn bán và giết mổ chó sẽ phải thay đổi công việc hoặc đóng cửa trong 3 năm tới. Trong số này có 1.507 doanh nghiệp là các trang trại nuôi chó. Hiện Hàn Quốc đang tiến hành các cuộc thảo luận để xác định tiêu chí bồi thường và mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp này. Trong khi đó, các cơ quan chức năng phải bàn cách thức xử lý số chó đang được nuôi ở các trang trại.
Trên thực tế, nơi duy nhất để tiếp nhận những chú chó từ các trang trại là hệ thống trung tâm bảo vệ động vật do chính quyền địa phương trực tiếp điều hành hoặc ủy thác. Tuy nhiên, Cơ quan nghiên cứu thuộc Quốc hội cho rằng các trung tâm cũng không tiếp nhận được hết số chó này. Một vấn đề lớn khác nữa là liệu chính quyền các địa phương có đủ năng lực hành chính và tài chính để tiếp quản và thực hiện các biện pháp bảo vệ số chó tiếp nhận hay không.
Tính đến năm 2023, trên toàn Hàn Quốc có tổng cộng 228 trung tâm bảo vệ động vật của chính quyền địa phương. Trong số này có 71 trung tâm, chiếm 31%, là do chính quyền địa phương trực tiếp quản lý. Số còn lại được vận hành theo hình thức bán công, cho phép ký gửi vật nuôi. Năm ngoái, 228 trung tâm đã tiếp nhận 113.072 động vật bị bỏ rơi hoặc thất lạc, trung bình mỗi ngày nhận hơn 300 động vật. Trong khi đó, kinh phí của các trung tâm không nhiều, không gian cũng có hạn nên bị hạn chế hoạt động khá nhiều, trong khi số lượng động vật bị bỏ rơi ngày càng tăng lên. Trong năm ngoái, tổng chi phí hoạt động của các trung tâm là 37,38 tỷ won, tăng 26,8% so với năm trước đó, và đây cũng là năm đầu tiên Hàn Quốc chi ngân sách cho hoạt động quản lý động vật bị bỏ rơi vượt quá con số 30 tỷ won.
Dư luận tại Hàn Quốc cũng có nhiều ý kiến khác nhau về khoản chi cho động vật bị bỏ rơi, trong đó có ý kiến cho rằng cần thu thuế từ những người nuôi thú cưng, gọi là “thuế sở hữu vật nuôi”. Năm 2020, Chính phủ Hàn Quốc từng xem xét tiến hành thu loại thuế này nhưng sau đó phải rút lại vì vấp phải nhiều ý kiến phản đối. Các cơ quan chức năng của Hàn Quốc giải thích việc thu "thuế sở hữu vật nuôi" là nhằm nâng cao trách nhiệm của người nuôi thú cưng và có thêm nguồn kinh phí giúp thúc đẩy các chính sách đảm bảo vật nuôi được nuôi dưỡng trong các cơ sở phù hợp.